Liên Hiệp Quốc bi quan về tình hình kinh tế thế giới

  • Lisa Schlein

Trưởng ban Chiến lược Toàn cầu của UNCTAD Heiner Flassbeck (hình lưu trữ)

Cơ quan Thương mại và Phát triển của Liên Hiệp Quốc dự báo tương lai kinh tế của thế giới không mấy sáng sủa. Cơ quan này cho rằng châu Âu sẽ gặp suy thoái ở mức cao vào năm tới, và may mắn lắm thì Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ gặp một thời gian đình đốn.

Cơ quan Thương mại và Phát triển của Liên Hiệp Quốc, UNCTAD, họp ở Geneve kêu gọi các quốc gia nên tránh các kế hoạch thắt lưng buộc bụng để áp dụng các chính sách nhằm kích thích tăng trưởng.

Ông Heiner Flassbeck, Trưởng ban Chiến lược Toàn cầu của UNCTAD cho biết:

“Lãnh đạo các nước đang chọn các chính sách tài khóa có nhiều hạn chế, thay vì chọn các biện pháp kích cầu kinh tế. Sự chọn lựa này tạo ra tình trạng mọi người có nguy cơ rơi vào suy thoái hoặc ít ra là một sự đình trệ lâu dài, khó lòng quay lại với con đường tăng trưởng.”

Ông ghi nhận kinh tế Nhật Bản đã rơi vào tình trạng giảm phát trong 20 năm, có nghĩa là bị mất trắng hai thập niên.

Theo ông, sức tiêu dùng của tư nhân là thành tố quan trọng nhất để tăng trưởng tại Nhật Bản, khu vực euro, và Hoa Kỳ. Ông cho rằng sẽ khó lòng phục hồi kinh tế nếu sức tiêu dùng không được phục hồi tại 3 khu vực quan trọng này.

Ông nói dường như các chính trị gia đều đồng thuận rằng chính sách tài khóa nên theo con đường thắt lưng buộc bụng. Một số chính trị gia đã sai lầm khi tin rằng cách duy nhất để lấy lại niềm tin là cắt giảm thâm hụt. Ông nói tiếp:

“Cắt giảm thâm hụt rất khó, vì bộ máy chính quyền quá lớn để giảm chi tiêu, và ai cũng trông đợi kinh phí sẽ luôn luôn có ít ra là ở mức như cũ. Không hẳn như vậy. Kinh phí sẽ giảm. Số thu ngân sách sẽ giảm và trong trường hợp đó, khó giảm bớt thâm hụt. Một khi không giảm bớt thâm hụt, ta sẽ khó lấy lại niềm tin. Như vậy, ngay từ đầu chính sách thắt lưng buộc bụng đã hỏng.”

Ông Flassbeck còn nói phải mất một thời gian nữa thì suy thoái mới đánh vào các nước đang phát triển, và một khi đã bị đánh, các nước này sẽ gặp hậu quả nghiêm trọng.

Theo ông, dường như các nước chưa học được những bài học của cuộc đại khủng hoảng trong thập niên 1930; và điều đáng ngại là các nước không chịu thỏa thuận cho một kế hoạch hành động phối hợp nhằm kích thích tăng trưởng thế giới.

http://www.youtube.com/embed/RTmtOuOAgu4