Tổng thống Marcus Stephen lên tiếng trước Hội đồng Bảo an, thay mặt cho một số quốc gia Thái Bình Dương dễ bị tác động bởi hiện tượng biến đổi khí hậu.
Ông Stephen nói nước ông và các đảo quốc khác đang phải đối mặt với thách thức an ninh lớn nhất do hiện tượng tăng nhiệt địa cầu gây ra.
Ông Stephen nói: "Trước hiện tượng biến đổi khí hậu, các đảo quốc của chúng tôi phải đối mặt với những tác động khủng khiếp, có nguy cơ gây bất ổn cho xã hội và các định chế chính trị của chúng tôi. Vấn đề an ninh lương thực, nguồn nước, và an toàn công cộng chưa gì đã bị phương hại. Mực nước biển dâng cao đang làm xói mòn các vùng duyên hải của chúng tôi, và trong một số trường hợp, đã gây thiệt hại cho các cơ sở hạ tầng thiết yếu. Mất đất đai có thể gây gián đoạn cho các hệ thống truyền thống về quyền sở hữu đất đai, và châm ngòi cho các vụ tranh chấp về đất đai, cũng như về các nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm khác. "
Ông Stephen cảnh báo rằng chung cuộc một số hòn đảo có thể biến mất, và cùng với chúng là sự mất mát của di sản văn hóa đã có từ hàng ngàn năm.
Ông Stephen nói tiếp: "Sự thể này sẽ buộc một số đông đảo công dân của chúng tôi phải dời cư, thoạt tiên trong phạm vi lãnh thổ, rồi sau đó phải dời ra nước ngoài."
Tổng thống Nauru kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thừa nhận rằng biến đổi khí hậu là một mối đe dọa lớn đối với hòa bình và an ninh thế giới, không thua gì nạn phổ biến vũ khí hạt nhân hoặc khủng bố, và hiện tượng này có tiềm năng gây bất ổn cho các chính phủ và khởi động các cuộc xung đột.
Ông kêu gọi Hội đồng Bảo An bổ nhiệm một đại diện đặc biệt về khí hậu và an ninh, và yêu cầu tiến hành đánh giá khả năng của Liên hiệp quốc, trong việc đối phó với những tác động của tình trạng tăng nhiệt địa cầu.
Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo về những tác động mà tình trạng biến đổi khí hậu có thể gây ra đối với vấn đề an ninh, và Tổng thư ký Ban Ki-moon đã đề cập đến vấn đề này tại Hội đồng Bảo an. Ông Ban Ki Moon nói biến đổi khí hậu là một đe dọa có thực và đang tăng tốc một cách nguy hiểm, đe dọa các nguồn lương thực và nguồn nước, cũng như phá hoại tình trạng ổn định của thế giới.
Ông Ban nói: "Sự cạnh tranh giữa các cộng đồng và các quốc gia để giành các nguồn tài nguyên khan hiếm - đặc biệt là nước – đang ngày càng gia tăng, làm cho các vấn đề nan giải về mặt an ninh đã có trở nên nghiêm trọng hơn nữa, và tạo ra những thách đố mới. Những người tị nạn môi trường đang thay đổi địa lý con người của hành tinh chúng ta - một xu hướng sẽ chỉ tăng trong bối cảnh các sa mạc được nới rộng, các khu rừng bị đốn cây, và nước biển dâng cao. Các cuộc khủng hoảng quy mô lớn có thể trở nên thường tình. Tất cả những điều đó là mối đe dọa cho an ninh con người cũng như cho hòa bình và an ninh thế giới."
Tổng thư ký Ban kêu gọi các nước thành viên Liên hiệp quốc hãy thực thi các thỏa thuận về biến đổi khí hậu đạt được ở Cancun và Copenhagen, và cung cấp các nguồn tài trợ để giúp các nước đang phát triển và yếu thế giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Tổng thư ký Ban cũng lưu ý rằng các sự cố thời tiết khắc nghiệt đang xảy ra thường xuyên hơn, ông nêu ra các trận hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến Somalia, nơi mà hôm thứ tư Liên hiệp quốc tuyên bố nạn đói xảy ra tại hai khu vực.
Tổng thư ký Ban kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc huy động các nỗ lực quốc gia và quốc tế để hành động hầu đương đầu với mối đe dọa do biến đổi khí hậu đặt ra. Thế nhưng đến giữa trưa thì dường như các nỗ lực đạt giải pháp đồng thuận tại Hội đồng Bảo an về vấn đề này đã lâm vào tình trạng bế tắc.
Nga, Trung Quốc và các thành viên khác thuộc Hội đồng Bảo an lập luận rằng không nên mang vấn đề biến đổi khí hậu ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an, mà nên thảo luận vấn đề này tại các cơ quan liên hệ, chẳng hạn như Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc, bà Susan Rice mô tả thái độ của các nước này là "đáng chê trách", "thiển cận" và một hành động " tắc trách, lơi là nhiệm vụ."
Cuộc tranh luận hôm qua là dịp thứ nhì trong vòng 4 năm, Hội đồng Bảo an đưa vấn đề biến đổi khí hậu ra thảo luận.
Tổng Thống Nauru, đảo quốc nhỏ nhất thế giới trong vùng Thái Bình Dương đang đứng trước cơ nguy nghiêm trọng do mực nước biển dâng cao, hôm thứ Tư kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hãy có hành động cụ thể để giúp nước ông và các quốc gia khác giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Margaret Besheer từ trụ sở Liên Hiệp Quốc, Tổng Thống Nauru đưa ra nhận định vừa kể hôm qua trong một cuộc thảo luận hãn hữu tại Hội đồng Bảo an về các hệ quả của biến đổi khí hậu đối với vấn đề an ninh.