Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Kabul, ông Jan Kubis, người đứng đầu Phái bộ Viện trợ Liên hiệp Quốc ở Afghanistan, tìm cách lánh xa tổ chức này với vụ đốt các sách thiêng của đạo Hồi và các tài liệu tôn giáo khác của nhân viên quân đội Hoa Kỳ tại căn cứ không quân Bagram bên ngoài Kabul.
Cách hủy Thánh Kinh của các tôn giáo Cả ba tôn giáo lớn, lấy ông Abraham làm tổ phụ, đều có những Thánh Kinh riêng biệt, được xem là lời của Thượng Đế. Cả ba tôn giáo có những quy định khác nhau về khi nào thì Thánh Kinh được hủy và hủy như thế nào. Sau đây và vài điểm đáng chú ý: Hồi giáo: Kinh Quran có thể hủy nếu văn bản có sai sót hoặc khi đã quá cũ mòn. Trong trường hợp đó, các nhà học giả Hồi giáo nói hai cách để hủy, hoặc quấn trong vải đem chôn, hoặc để cho giòng nước cuốn trôi. Công giáo: Người Công giáo có thể đem chôn Thánh Kinh khi cần hủy bỏ, mặc dù vào thời Trung Cổ, có nhiều khi tín đồ tổ chức những buổi lễ đốt Thánh Kinh long trọng. Tin Lành: Người Tin Lành không có chỉ thị đặc biệt về chuyện hủy bỏ sách vở tôn giáo, vì họ xem những gì được gợi hứng từ những con chữ, thay vì những con chữ thực sự, mới có tính cách thiêng liêng. Do Thái giáo: Người theo đạo này xem bất cứ văn bản nào có chứa tên của Thượng Đế cần phải được đem chôn khi không còn sử dụng được nữa, hoặc đem để trong một phòng chuyên biệt gọi là "Geniza." Các nghĩa trang của Do Thái giáo có những ngôi mộ đặc biệt để chôn những văn bản thiêng liêng. Một số giáo sĩ người Mỹ theo đạo này mới đây đã quyết định nếu đem tái chế các văn bản này cũng được. |
Ông Kubis nói Liên Hiệp Quốc lấy làm đau lòng chứng kiến sự kiện một phần cộng đồng quốc tế, quân đội quốc tế đã vô tình nhưng để mặc xảy ra việc Kinh Quran bị ô uế.
Ông Kubis cũng ca ngợi Tổng thống Barack Obama và các giới chức khác của Hoa Kỳ đã thành thực xin lỗi về sự lầm lẫn và ông kêu gọi có biện pháp kỷ luật đối với những người có liên can trong vụ đốt kinh Quran. Quân đội Hoa Kỳ đang tiến hành một cuộc điều tra có thể đưa đến việc truy tố hình sự hay hình phạt hành chính nhẹ hơn theo đúng các quy định của quân đội Hoa Kỳ.
Người đứng đầu phái bộ Liên Hiệp Quốc ở Afghanistan cũng lên án những vụ bạo động đã xảy ra trong các cuộc biểu tình tiếp theo việc đốt kinh Quran. Tuy nhiên, ông nêu ra rằng đa số các cuộc biểu tình đều mang tính cách ôn hòa.
Các vụ biểu tình phần lớn đã chấm dứt. Nhưng hôm thứ năm, những người mang súng được cho là binh sĩ Afghanistan hay các phần tử chủ chiến giả trang, đã sát hại 2 binh sĩ NATO ở Kandahar. Đây là vụ mới nhất trong một loạt các vụ tấn công nhắm vào các thành viên liên quân do Hoa Kỳ lãnh đạo. Ngày 25 tháng 2 vừa qua, 2 sĩ quan quân đội Hoa Kỳ đã bị ám sát tại Bộ Nội vụ Afghanistan, khiến tư lệnh NATO phải triệu hồi tất cả các cố vấn quân sự đang công tác tại các cơ quan của Afghanistan.
Ông Kubis cũng rút nhân viên Liên Hiệp Quốc sau khi xảy ra một vụ tấn công vào một cơ sở ở Kunduz ở bắc bộ Afghanistan. Nhưng ông nói việc này chỉ có tính cách tạm thời.
Ông cho biết Liên Hiệp Quốck không rút ra khỏi Kunduz hay các nơi có người tìm cách xúi giục dân chúng chống lại tổ chức này. Nhưng tổ chức cần phải đoan chắc rằng dân chúng ở những nơi có văn phòng của tổ chức muốn họ có mặt ở đó.
Tổng thống Obama cũng nhấn mạnh rằng tình hình bạo động mới đây ở Afghanistan sẽ không làm thay đổi kế hoạch của chính quyền ông là dần dà rút quân và giao trách nhiệm an ninh cho lực lượng Afghanistan trước cuối năm 2014.