Ukraine muốn phương Tây tăng áp lực kinh tế đối với Nga

Dân quân thân Nga đeo mặt nạ chống hơi độc đứng trên ban công hội trường thành phố Mariupol, miền đông Ukraine, ngày 7/5/2014.

Các nhà lãnh đạo Ukraine tiếp tục kêu gọi các nước phương Tây gia tăng áp lực kinh tế lên Nga để Moscow ngưng ủng hộ những phiến quân ở miền đông Ukraine. Từ thủ đô Kyiv, thông tín viên Brian Padden của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Trong tuần qua, quân đội Ukraine đã giao tranh với các phần tử nổi dậy đang định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào chủ nhật này để đòi độc lập.

Binh sĩ chính phủ đã nhanh chóng thiết lập những vòng đai xung quanh một số thành phố do phe nổi dậy kiểm soát như Slovyansk, nhưng việc tấn công các cứ địa của phiến quân tại những khu vực đông dân cư diễn ra một cách chậm chạp để tránh gây thương vong cho thường dân. Tại những khu vực khác trong vùng đông nam, các lực lượng an ninh và những chiến binh thân Nga đã giao chiến với nhau để giành quyền kiểm soát những vị trí then chốt.

Tuy hành động quân sự chưa mang lại kết quả mong muốn, cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kravchuk nói rằng đây là thông điệp cho Nga biết rằng Ukraine sẽ dùng sức mạnh để đáp lại sức mạnh. Ông nói thêm rằng đây cũng chính là lúc các nước phương Tây gia tăng áp lực kinh tế đối với Nga.

Ông Kravchuk nói rằng Ukraine phải thực hiện cuộc phản công chống khủng bố và Tây phương thực hiện các biện pháp chế tài, bởi vì việc chờ đợi và thuyết phục không có hiệu quả.

Các nhà lãnh đạo Ukraine tố cáo Nga hỗ trợ các phần tử đòi ly khai để gây bất ổn cho nước này trước ngày bầu cử tổng thống 25 tháng 5, và để sáp nhập khu vực đông nam của Ukraine vào Nga như họ đã làm đối với bán đảo Crimea cách đây không lâu. Cựu Tổng thống Kravchuk nói rằng Nga muốn nhiều nước khác, chứ không riêng gì Ukraine, phải tuân phục sự định đoạt của họ.

Ông Olexi Haran, giáo sư chính trị học của Đại học Kyiv, cho rằng việc Nga thôn tính bán đảo Crimea và những mưu toan gây bất ổn của họ không phải chỉ là những vấn đề của Ukraine. Ông nói rằng đó là một sự tấn công nhắm vào nền an ninh chung của Âu châu.

"Đây là câu hỏi đặt ra cho cộng đồng quốc tế. Quí vị làm sao chịu đựng được sự sáp nhập trực tiếp này? Bởi vì những gì gây phương hại cho hiện trạng lãnh thổ ở Âu châu sẽ gây phương hại cho cả thế giới."

Các cuộc thương thuyết giữa Ukraine, Nga, Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu cho đến nay đã không mang lại một giải pháp hòa bình cho vụ xung đột.

Nga nói rằng họ không kiểm soát những phần tử đòi ly khai thân Nga ở Ukraine nhưng họ cũng đã đề nghị tiến hành thêm các cuộc đàm phán quốc tế bao gồm phiến quân Ukraine để chấm dứt vụ khủng hoảng.

Ngoại trưởng Anh William Hague đã đến Kyiv để bày tỏ sự ủng hộ cho các nỗ lực chống các phần tử đòi ly khai của Ukraine. Ông cho biết Tây phương đang chuẩn bị cho giai đoạn chế tài kế tiếp chống lại Nga.


Ngoại trưởng Anh William Hague đã đến Kyiv hôm thứ tư để bày tỏ sự ủng hộ cho các nỗ lực của Ukraine để chống lại những phần tử đòi ly khai. Ông cho biết Tây phương đang chuẩn bị cho giai đoạn chế tài kế tiếp chống lại Nga.

"Đây là những biện pháp sâu rộng hơn, bao gồm các lãnh vực kinh tế, thương mại, và tài chánh. Và chúng tôi không nói là những biện pháp này chỉ được áp đặt khi nào xảy ra một vụ xâm lăng quân sự ở Ukraine."

Những biện pháp chế tài có tính chất hạn chế đã có một ít ảnh hưởng trong việc thúc đẩy sự tháo chạy của nguồn vốn ra khỏi nước Nga và làm cho giá chứng khoán của nước này bị sút giảm.

Ngoại trưởng Hague nói rằng những biện pháp chế tài được tăng cường về lâu về dài sẽ tạo những sự khốn đốn thật sự cho kinh tế Nga trong lúc các nước khác tìm cách chấm dứt sự lệ thuộc năng lượng vào Nga.

Hình ảnh từ Ukraine:

Hình ảnh từ Ukraine