Ukraine quy trách các cơ quan an ninh của Nga về một vụ tấn công mạng quy mô lớn bắt đầu vào tuần trước ở Ukraine và sau đó lan ra các máy tính khắp thế giới.
Cơ quan an ninh của Ukraine, SBU, nói trong một thông cáo hôm thứ Bảy rằng vụ tấn công có những nét tương đồng với những vụ tấn công tin tặc trước đây nhắm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine do các cơ quan an ninh Nga thực hiện.
"Các dữ liệu có sẵn, bao gồm những dữ liệu có được nhờ hợp tác với các công ty chống virus quốc tế, cho chúng tôi lý do để tin rằng cùng những nhóm tấn công tin tặc có dính líu trong vụ tấn công này, mà vào tháng 12 năm 2016 đã tấn công hệ thống tài chính, các cơ sở giao thông vận tải và năng lượng của Ukraine, sử dụng TeleBots và BlackEnergy," thông cáo nói.
Nga phủ nhận có dính líu trong vụ tấn công hồi gần đây khiến hoạt động tại các công ty lớn và các cơ quan chính phủ ở hơn 60 quốc gia trên thế giới bị đình trệ. Các tin tặc mã hóa dữ liệu trên máy tính bị nhiễm virus và đòi chủ sở hữu trả tiền để chuộc lại dữ liệu.
Giám đốc Europol Rob Wainwright gọi vụ tấn công tin tặc hôm thứ Ba là "một vụ tấn công bằng phần mềm đòi tiền chuộc nghiêm trọng khác." Ông nói có những nét tương đồng với vụ tấn công tin tặc WannaCry trước đó, nhưng nó cũng cho thấy những chỉ dấu của "khả năng tấn công phức tạp hơn nhằm khai thác một loạt những lỗ hổng."
Vụ tấn công tin tặc WannaCry đã lan truyền phần mềm đòi tiền chuộc tới các bệnh viện trên khắp nước Anh vào tháng 5, khiến bệnh viện phải chuyển hướng xe cứu thương và hủy các ca phẫu thuật. Chương trình này đòi một khoản tiền chuộc để mở khóa truy cập vào các tập tin được lưu giữ trên các máy bị nhiễm virus.
Các nhà nghiên cứu cuối cùng tìm ra được một cách để chặn đứng vụ tấn công, nhưng chỉ sau khi khoảng 300 người đã nộp tiền chuộc.
Vụ tấn công tin tặc mới nhất phần lớn đã được kìm tỏa, nhưng bây giờ một số nhà nghiên cứu đang đặt câu hỏi về động cơ đằng sau vụ tấn công này. Họ nói rằng nó có thể không phải được thiết kế để thu tiền chuộc mà chỉ đơn giản là để hủy dữ liệu.