Các tổ chức chống tham nhũng Uganda đang thử nghiệm một ứng dụng điện thoại cho công dân để kiểm tra số tiền chính phủ chi cho trường học và các phòng khám y tế, và báo cáo khi tiền không được sử dụng đúng đắn. Ứng dụng này hy vọng đem lại hiệu quả ở địa phương đối với vấn đề chống tham nhũng và cổ vũ công dân cùng tham gia.
Cho đến gần đây, phát hiện tham nhũng ở Uganda đòi hỏi có kiến thức sâu sắc về tài chính định chế công. Nhưng bây giờ, ít nhất là về lý thuyết, bạn không cần gì hơn là có kết nối internet.
“Action for Transparency” (Hành động vì Sự minh bạch) là một ứng dụng được phát triển bởi các nhóm dân sự xã hội Uganda nhằm chỉ ra cho công dân biết bao nhiều tiền được phân bổ cho trường học, các trung tâm y tế và với mục đích gì.
Khi mọi người nhìn thấy những dấu hiệu tiền được sử dụng không đúng mục đích, điều họ cần làm là nhấp vào biểu tượng ghi “whistle.”
Ông Gerald Businge làm việc cho Tổ chức Phát triển Truyền thông Uganda và chịu trách nhiệm quản lý ứng dụng. Ông nói ứng dụng sẽ cho mọi người ở Uganda cơ hội tố giác một cách ẩn danh khi ngân quỹ bị thất thoát.
“Nếu chẳng hạn như tiền được dùng để mua thuốc men, và thuốc thì không có, họ biết chắc rằng tiền thực sự đã tới, thì họ có thể báo cáo là tại trung tâm đó không có thuốc. Họ có thể tố giác bất cứ trường học hay trung tâm y tế nào. Và rồi một trong các đối tác của chúng tôi, tổ chức minh bạch quốc tế, có thể điều tra về tố giác đó”.
Việc có thêm những con mắt theo dõi từ công chúng có thể ngăn chặn được nhiều quan chức ăn cắp tiền, ông Businge nói. Ðồng thời nó giúp phát hiện tham nhũng sớm hơn, khiến cho việc theo dõi tiền bạc dễ dàng hơn.
Nhưng ông Businge cũng chỉ ra rằng tham nhũng không chỉ là vấn đề đối với các định chế công của Uganda. Trường học và các phòng khám y tế đang tham gia dự án này, ông cho biết, bởi vì nó sẽ cho công chúng biết ngân sách mà họ có thực sự nghèo nàn như thế nào.
“Bởi vì có tham nhũng lan tràn quá nhiều, mọi người nghĩ rằng tiền đang bị lấy cắp ngay cả khi nó không bị đánh cắp. Họ nghĩ họ sẽ có một cơ hội cho người dân biết bao nhiêu tiền họ được phân bổ và nó thực sự ít ỏi như thế nào.”
Uganda thường bị chấn động bởi những vụ bê bối tham nhũng ở tất cả các cấp độ chính quyền. Tổ chức Minh bạch quốc tế xếp hạng đất nước này vào trong số những nước tham nhũng nhất ở Ðông Phi.
Hiện tại, “Action for Transparency” chỉ mới có cho các cơ quan ở trong và xung quanh Kampala, nhưng ông Businge cho biết có các kế hoạch để dần dần mở rộng ra khắp cả nước.
Your browser doesn’t support HTML5