Uganda, nước đã ngăn chặn được các đợt bộc phát dịch bệnh Ebola trước đây, vừa phái 20 chuyên gia đến Sierra Leone và Liberia để giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh này. Ebola đang lây lan ở Tây Phi hiện nay là dịch bệnh Ebola lớn nhất tính tới thời điểm này. Chiều thứ Hai, Tổ chức Y tế Thế giới, gọi tắt là WHO, cho biết đã có ít nhất 1.013 ca tử vong. Từ thủ đô Kampala của Uganda, thông tín viên Lizabeth Paulat của đài VOA gởi về bài tường trình sau đây.
Tây Phi vừa có một đối tác mới trong cuộc chiến chống dịch bệnh Ebola. Bộ Y tế Uganda, phối hợp với WHO, vừa phái 20 chuyên gia y tế hàng đầu đến Tây Phi.
Các bác sĩ được cử đến có nhiều kinh nghiệm trong lãnh vực dịch tể học, kiểm soát ca bệnh, giáo dục cộng đồng và hỗ trợ tâm lý. Các chuyên gia này đã đáp máy bay đến Sierra Leone và Liberia hồi cuối tháng trước để giúp chính phủ của các nước này đang bị quá tải trong nỗ lực khống chế dịch bệnh.
Uganda có kinh nghiệm đối phó với Ebola trong bốn đợt bộc phát lớn trong 10 năm qua. Uganda đã khống chế được cả bốn lần bộc phát dịch bệnh đó.
Trong đợt bộc phát dịch bệnh lần gần đây nhất ở Uganda vào năm 2012, các sáng kiến y tế, trong đó có những đề xuất của Tổng thống Yoweri Museveni và Bộ Y tế, chú ý vào các tương tác trong xã hội.
Mỗi ngày đều có cảnh báo nhắc nhở công chúng tránh bắt tay, hôn nhau và tham gia các nghi thức an táng trong đó có việc chạm đến thi thể của người bệnh. Xét nghiệm chẩn đoán cũng được cải tiến để có thể phát hiện ra bệnh nhân nhiễm Ebola hiệu quả hơn, đồng thời phải huấn luyện cho đội ngũ nhân viên y tế và cấp phát đồ đạc, thiết bị bảo hộ.
WHO hy vọng các chuyên gia Uganda có thể đưa những phương án tương tự đến vùng đang có dịch bệnh bộc phát ở Tây Phi.
Bác sĩ Solomon Fisseha, người đã thực hiện chương trình này với WHO ở Uganda, cho biết về những thành công trước đó của Uganda.
"Uganda có nhiều kinh nghiệm trong việc kiểm soát các chứng sốt suất huyết vì nhiễm virút. Ví dụ như năm 2012, chúng tôi đối phó với gần 4 lần dịch bệnh sốt suất huyết bộc phát lớn vì virút Ebola và Marburg ở bốn quận huyện. Từ đó Uganda đã phát triển khả năng đối phó dịch bệnh hữu hiệu. Do đó nếu nhìn lại các đợt bộc phát dịch bệnh ở Uganda trong mấy năm qua thì sẽ thấy chúng tôi thực sự đã tìm cách khống chế được dịch bệnh càng sớm càng tốt, thậm chí không để dịch bệnh kịp lan sang các nước kế cận."
Dịch bệnh Ebola hiện này đã khiến cho nhiều biên giới phải đóng cửa, và nhiều hãng hàng không cũng tạm ngưng hoặc hạn chế các chuyến bay đến khu vực Tây Phi.
WHO có một hy vọng rằng phương án nhiều mặt có thể mang lại kết quả.
Bác sĩ Fisseha nói về phương án này.
"Nếu chúng ta thiết đặt được một hệ thống theo dõi và có các chuyên gia tại chỗ, và nếu chúng ta tạo được một môi trường sao cho cộng đồng dân chúng hiểu được mối nguy hiểm của dịch bệnh thay vì tìm các che giấu, và đồng thời thông báo cho các nhân viên y tế và các nhà chuyên môn để có những biện pháp thích hợp được thực thi. Bởi vì rất khó xác định người bị nhiễm bệnh trừ phi bệnh nhân đó tự đến khai bệnh. Do đó điều gì khiến cho việc kiểm soát dịch bệnh trở nên quá khó khăn, nhất là ở Tây Phi, nơi dịch bệnh này bộc phát lần đầu tiên tại những nơi xa xôi. Qúy vị có thể hiểu được là tình trạng hoảng loạn trong dân chúng rồi sẽ được trấn an. Phải mất một thời gian để thuyết phục cộng đồng dân chúng và khuyên họ hợp tác."
Hoa Kỳ cũng phái các chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh và của Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ. Với một phương án đa quốc gia đang được triển khai, các giới chức y tế hy vọng sẽ ngăn chận được sự lây lan của dịch bệnh chết người này.