Tử vong liên quan đến công ty y học cổ truyền TQ, 18 người bị bắt

Chi nhánh công ty thuốc cổ truyền Trung Quốc TCM thuộc Tập đoàn Quanjian, tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (ảnh chụp ngày 27/12/2018)

Chi nhánh công ty thuốc cổ truyền Trung Quốc TCM thuộc Tập đoàn Quanjian, tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (ảnh chụp ngày 27/12/2018)

Nhà chức trách Trung Quốc bắt giam sáng lập viên và hơn chục người khác tại một xí nghiệp thuốc y học cổ truyền Trung Quốc (TCM) sau ca tử vong của một bé gái bị ung thư có liên hệ đến công ty và gây phẫn nộ trên mạng.

Tháng trước, nhà chức trách tại thành phố cảng Thiên Tân cho biết đang điều tra công ty TCM thuộc Tập đoàn Quanjian về nhiều cáo buộc trong đó có quảng cáo ‘láo’.

Nhật báo địa phương Thiên Tân ngày 7/1 cho biết cảnh sát đã bắt người sáng lập Quanjian là Shu Yuhui cùng 17 người khác. Chuyện này sau đó được lan truyền rộng rãi trên truyền thông nhà nước.

Một giới chức tại văn phòng Vũ Thanh của Cơ quan Quản trị Luật lệ Thị trường ở Thiên Tân xác nhận các vụ bắt giữ nhưng từ chối bình luận thêm.

Một nhân viên thuộc khâu dịch vụ khách hàng của tập đoàn Quanjian nói với Reuters rằng nhà cầm quyền đang giải quyết vụ việc nhưng từ chối bình luận thêm về vụ bắt giữ.

Reuters không thể tiếp xúc với ông Shu để yêu cầu bình luận.

Công ty Quanjian, có trụ sở tại thành phố Thiên Tân, đông bắc Trung Quốc, đã bị chỉ trích sau khi một bài viết nhắc lại cái chết của một bé gái 4 tuổi vì ung thư được phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội. Em này được công ty chữa trị.

Người dân Trung Quốc bày tỏ phẫn nộ về vụ này và chia sẻ kinh nghiệm của họ về việc công ty đã quảng cáo quá đáng về sự hiệu nghiệm trong việc chữa trị của họ. Một số người chỉ trích Quanjian vì điều hành một hệ thống buôn bán gian lận.

Được thành lập vào năm 2004, Quanjian đã mở rộng thành một đế chế trị giá hàng tỷ nhân dân tệ từ doanh số, từ các bệnh viện và từ các cửa hàng. Công ty cho biết cũng sở hữu các câu lạc bộ thể thao.

Vụ Quanjian đã trở nên một trong những vụ việc liên quan đến sức khỏe được bàn tán nhiều nhất kể từ khi lan truyền trên mạng vào cuối năm 2018, nêu bật sự quan tâm của công chúng về vấn đề y tế tại Trung Quốc từ việc thiếu bác sĩ cho đến chậm chuẩn nhận thuốc men.

Trường hợp này cũng nhắc nhớ tới vụ hồi năm 2016 khi cái chết của một sinh viên khiến người ta chú ý về những quảng cáo sai lạc sau khi anh này dùng công cụ tìm kiếm Baidu để tìm cách chữa trị một dạng ung thư hiếm gặp.

Vụ việc đã khiến cho cơ quan chức năng phải mở một cuộc điều tra về quảng cáo y tế và khiến lợi tức của Baidu giảm sút.