Một tòa án không chính thức gồm các luật sư và các nhà vận động tuyên bố Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải chịu trách nhiệm chính về những hành động mà họ nói là diệt chủng, tội ác chống lại loài người và tra tấn người Duy Ngô Nhĩ và những người dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương.
Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ tòa án và xem đây là một “trò hề” của kẻ thù nhằm truyền bá sự dối trá. Toà án do luật sư người Anh Geoffrey Nice đứng đầu và không có quyền xử phạt hay ràng buộc thực thi phán quyết.
“Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã phạm tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người và tra tấn đối với người Uyghur, người Kazakh và những người dân tộc thiểu số khác ở khu vực Tây Bắc Trung Quốc được gọi là Tân Cương”, Tòa án Uyghur có trụ sở tại Anh tuyên bố hôm 9/12.
“Tòa án đồng ý rằng Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao khác của CHND Trung Hoa và Đảng Cộng sản Trung Quốc phải chịu trách nhiệm chính về các hành vi đã xảy ra ở Tân Cương”, toà án nói thêm.
Hội đồng Uyghur Thế giới (WUC), đại diện cho lợi ích của những người Duy Ngô Nhĩ chủ yếu là người Hồi giáo ở Tân Cương và trên toàn thế giới, đã yêu cầu Luật sư Nice vào năm 2020 thành lập một tòa án độc lập để điều tra các cáo buộc lạm dụng ở Tân Cương.
Một số nhà lập pháp và nghị viện nước ngoài, cũng như các ngoại trưởng Hoa Kỳ của cả chính quyền Biden và Trump, đều coi việc Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ là tội diệt chủng.
Nhưng Trung Quốc mạnh mẽ phủ nhận cáo buộc này.
Trong một tuyên bố hôm thứ Năm, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ WUC, nói đây là một tổ chức ly khai dưới sự kiểm soát và tài trợ của các lực lượng chống Trung Quốc ở Hoa Kỳ và phương Tây.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Cái gọi là tòa án này không có chứng chỉ pháp lý cũng như không đáng tin cậy”, đồng thời mô tả những lời khai được đưa ra là sai sự thật và phán quyết cuối cùng là một “trò hề chính trị do một vài tên hề thực hiện”.
“Những lời nói dối không thể che giấu sự thật, không thể lừa dối cộng đồng quốc tế cũng như không thể ngăn chặn tiến trình lịch sử của sự ổn định, phát triển và thịnh vượng của Tân Cương”, người phát ngôn Trung Quốc nói về tòa án Uyghur.
Các chuyên gia và các nhóm nhân quyền của Liên Hiệp Quốc ước tính hơn một triệu người, chủ yếu là người Uyghur và thành viên các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác, đã bị giam giữ trong những năm gần đây trong một hệ thống trại rộng lớn ở Tân Cương.
Ban đầu Trung Quốc phủ nhận có sự tồn tại của các trại này, nhưng sau đó nói rằng đó là các trung tâm huấn nghiệp được thiết kế để chống lại chủ nghĩa cực đoan.
Vào cuối năm 2019, Trung Quốc tuyên bố tất cả những người trong các trại đã “tốt nghiệp”.
WUC có trụ sở tại Munich hoan nghênh phán quyết của tòa.
Đại sứ quán Trung Quốc tại London nói tòa án là công cụ của những kẻ thù của Trung Quốc nhằm truyền bá sự dối trá.
Một phát ngôn viên của Đại sứ quán nói “không gì khác ngoài một công cụ chính trị được sử dụng bởi một số phần tử chống Trung Quốc và ly khai để đánh lừa và gây hiểu lầm cho công chúng”.
“Bất cứ ai có lương tri sẽ không bị lừa dối”, người phát ngôn này nói thêm.