Chính phủ Việt Nam hôm 3/9 ban hành Nghị định cho phép các lực lượng tuần tra biển sử dụng vũ khí để truy đuổi các tàu nước ngoài vi phạm luật pháp Việt Nam trong vùng lãnh hải của Việt Nam.
Theo tin của tờ Tuổi Trẻ, các hành vi bị cấm gồm xây dựng, lắp đặt trái phép các công trình, thiết bị, cũng như các cuộc khảo sát, thăm dò, khai thác không có phép của giới thẩm quyền Việt Nam.
Nghị định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 10/10 năm nay.
Liên quan tới vụ tranh chấp Biển Đông, một nhà phân tích cấp cao nói đối thoại và một giải pháp ngoại giao ôn hoà là cách duy nhất để tiến tới phía trước trong cuộc tranh chấp Biển Đông đang tiếp tục leo thang trong khu vực.
Trong một cuộc phỏng vấn đăng ngày hôm nay trên trang mạng của Xinhua, cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc, bà Eva Pejsova thuộc Viện Nghiên cứu An ninh của Liên Hiệp Âu Châu nói rằng xét tình hình bế tắc hiện nay, khi tất cả các bên liên quan đều giữ vững lập trường của mình, thì khó có thể thấy được một bước đột biến nào để giải quyết cuộc tranh chấp trong ngắn hạn.
Bà Pejsova giải thích rằng về phương diện an ninh, tiếp tục đối thoại là điều cần thiết để xử lý các vấn đề an ninh liên quốc gia cần được giải quyết qua hợp tác. Còn về vấn đề liên quan tới các mối đe doạ an ninh không truyền thống khác liên quan tới quyền đánh bắt cá, suy thoái môi trường, thì tất cả các bên tranh giành chủ quyền nên hiệp lực để đạt được các kết quả lâu dài có lợi cho tất cả các bên.
Xinhua dẫn lời bà Pejsova nói rằng “những tuyên bố chủ quyền chồng chéo” đã có từ lâu, điều có thể làm và giải quyết trên hết hiện nay là ‘thiết lập một bộ quy tắc ứng xử để ngăn chặn nguy cơ tranh chấp leo thang và bảo đảm các vấn đề an ninh hàng ngày được xử lý đúng đắn.’
Liên quan tới việc Manila nhờ Toà án Trọng Tài quốc tế phân xử cuộc tranh chấp với Trung Quốc, nhà phân tích nói rằng sự kiện Philippines dựa vào luật quốc tế cho những tuyên bố chủ quyền của mình tạo thiện cảm cho Manila trong cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn.
Báo Want China Times của Đài Loan hôm nay tường thuật rằng sau khi 5 tàu chiến của Trung Quốc xuất hiện ngoài khơi bang Alaska của Hoa Kỳ trước khi Bắc Kinh rầm rộ tổ chức các cuộc diễn binh phô trương lực lượng để đánh dấu ngày Thể Chiến thứ Hai kết thúc, Hoa Kỳ đang cân nhắc việc điều tàu bè và máy bay đi ngang qua các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây trong Biển Đông.
Ngũ Giác Đài cho hay 5 chiến hạm Trung Quốc gồm 3 tàu chiến, một tàu đổ bộ và một tàu tiếp dầu, hôm 2/9 đã đi ngang qua vùng biển cách đảo Aleutian 12 hải lý, giáp biên giới phía nam biển Bering.
Sự xuất hiện lần đầu của tàu chiến Trung Quốc trong các vùng biển của Mỹ tuy đáng ngạc nhiên, nhưng gặp phản ứng rất bình tĩnh từ chính phủ Mỹ. Phía Mỹ cho biết đã quan sát các tàu Trung Quốc đi ngang qua, các tàu này không làm gì trái với luật quốc tế, và do đó không có gì đáng lo ngại. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói Hoa Kỳ tôn trọng quyền tự do của tất cả các nước được điều tàu tới các vùng biển quốc tế trong phạm vi luật quốc tế.
Tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản hôm 7/9 đưa tin Trung Quốc đã điều chiếc Hải Cảnh 2901, tàu tuần tra biển được cho là lớn nhất thế giới của Trung Quốc đến đảo Chu San, cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khoảng 320 km.
Theo Xinhua, Tuoi Tre, Wantchinatimes
Your browser doesn’t support HTML5