Hệ thống cải huấn của Nga sẽ tái áp dụng lao động cưỡng bức như một biện pháp trừng phạt tội phạm bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 2017.
Theo điều luật mới, lao động cưỡng bức sẽ là một biện pháp trừng phạt thay thế cho nhà tù.
Ông Valery Maximenko, Phó Giám đốc Vụ Nhà tù Liên bang Nga, nói với hãng thông tấn TASS của Nga rằng hình thức kết án mới sẽ tốt hơn so với việc cách ly tù nhân hoàn toàn khỏi xã hội. Ông cũng bác bỏ việc so sánh hình phạt mới với hệ thống trại Gulag cũng tận dụng lao động cưỡng bức vào thời của Stalin.
Theo ông Maximenko, các tù nhân bị tuyên án lao động cưỡng bức sẽ sống tại các trại có mức độ an ninh thấp hơn nhiều so với nhà tù. Họ thậm chí sẽ được rời khỏi trại khi được nhà chức trách cho phép, nhưng họ sẽ không được từ chối hoặc thay đổi công việc khi họ được giao.
Mặc dù hiến pháp và luật hình sự Nga cấm lao động cưỡng bức, song luật lao động Nga lại có một điều khoản nêu rõ việc lao động như là một phần của bản án tư pháp không bị coi là lao động cưỡng bức. Điều này tạo cho nhà chức trách Nga một kẽ hở để sử dụng lao động cưỡng bức như một hình phạt thay thế.
Giống như trong các nhà tù Mỹ, người lao động cưỡng bức của Nga sẽ được cả các công ty của nhà nước lẫn tư nhân tuyển dụng, điều này giảm bớt sức ép lên hệ thống nhà tù của Nga trong khi cho phép các doanh nghiệp tiếp cận với lao động rẻ mạt.
Nga có tỷ lệ người bị giam cao thứ 9 trên thế giới, 447 người trên 100.000 dân. Mỹ đứng ở vị trí thứ hai, với 693 người bị giam trên 100.000 dân.