Tư Mã Vòng

  • Nguyễn Hoàng

Tư Mã Vòng

1.

Trạm công an buổi sáng vắng. Người công an chấp pháp còn khá trẻ, nhưng hút thuốc dữ, chưa hết điếu này đã châm ngay điếu khác. Y ngồi kiểu nước lụt, hai chân bỏ cả trên ghế, hai đầu gối sát nách, đầu chồm về phía trước.

“Không có gì qua mắt được chúng tôi đâu. Anh có quen biết Tư Mã Vòng không?” Y hỏi một câu bất ngờ.

Tư Mã Vòng là ai? Tôi chưa nghe bao giờ. Gần mười lăm năm trời xa Nha Trang, tôi chỉ về nhà có đôi ba lần. Mỗi lần về là để đưa tiễn người thân ra đi vĩnh viễn. Thành phố này chỉ còn trong trí nhớ tôi như một kỷ niệm. Nó là tuổi thơ tôi. Biển xanh. Rừng dương xanh. Những bụi cây dọc ven đường từ nhà bưu điện xuống Cầu Đá cũng xanh. Bầu trời xanh. Thành phố này chứa trong tôi cái thời xanh xao vàng vọt của một đứa bé bị hất hủi. Tôi muốn quên nó đi. Tư Mã Vòng? Không, tôi không thể nào nhớ ra một cái tên kỳ lạ như vậy.

“Tôi không biết ai là Tư Mã Vòng.”

“Nhưng mà Tư Mã Vòng biết anh thì sao?

Mã Vòng. Nếu đi hướng từ Diên Khánh xuống, Mã Vòng là đầu con đường vào thành phố. Tôi nhớ ngôi nhà lợp mái dừa của cô tôi nằm trên một con đường hẹp gần chùa. Nơi tôi đã sống với cô tôi, một người đàn bà đã luống tuổi, ăn mặc nâu sồng, sống khắc khổ, không bao giờ đụng đến chất tanh. Bữa cơm của cô chỉ có rau, rau và rau. Có lần tôi ngồi nhìn cô ăn, trước mặt là hai con thằn lằn bò quanh những hột cơm cô rải xuống. Thỉnh thoảng tôi nghe tiếng cô nói như thể đang trò chuyện với một người nào đó nhưng tôi không nhìn thấy ai. Ngoài hai con thằn lằn. Những hột cơm rải trên mặt bàn. Một tô rau luộc. Một hũ chao. Hai con thằn lằn. Đó là tất cả cuộc đời cô tôi. Một lu nước mưa đằng sau nhà, dưới một cây khế ngọt. Cây chùm ruột sai quả phía trước sân. Hàng rào là những bụi dâm bụt. Những chùm hoa tỉ muội trắng và nhỏ như chiếc bông tai của các cô gái quê, hương thơm ngào ngạt. Sau lưng nhà cô tôi là một ngọn đồi, trên cao là Tháp nước của thành phố. Con đường leo lên Tháp đi lòng vòng theo trôn ốc. Một vài ngôi mộ, có lẽ của người Chàm, dọc theo đường đi với những lùm cây dại. Đó là Mã Vòng thời tuổi nhỏ của tôi. Thơ mộng. Tôi nghĩ như vậy. Đó là thời kỳ tôi học hành dong chơi Cao, Lưu, Lân, Trung, Goering, Odette Bouquet, Marthe Thúy, Bích, Bạch Mai… Nhưng mà Tư Mã Vòng là ai? Tôi không biết.

“Chúng tôi vừa bắt được một tổ chức vượt biên. Tư Mã Vòng khai có tên anh và gia đình sẽ đi trong chuyến này.”

Người công an cúi xuống tờ giấy màu vàng xỉn mỏng đọc những hàng chữ nhỏ li ti. Tôi có cảm tưởng như y đang xem tờ cẩm nang vẽ cách bức bách tôi như thế nào cho có hiệu quả. Một lúc, y ngửng mặt lên:

“Anh nên khai báo thành thật, chuyến vượt biên này, gia đình anh đóng cho Tư Mã Vòng mấy lượng?”

“Không. Tôi không biết Tư Mã Vòng là ai cả. Tôi về đây là để dự tang lễ anh tôi.”

“Ông Thăng. Ông tưởng ông ngoan cố, chúng tôi không làm gì ông được hay sao?”

Y bỗng đổi cách ngồi, thả một chân xuống ghế, mặt chồm về phía tôi, và gọi tôi bằng ông. Hơi thở y nồng nặc mùi thuốc lá nặng.

“Cái thẻ công nhân viên của ông là thẻ giả. Chúng tôi đã hội ý với nhau tối hôm qua. Đồng chí bên Ban Kiểm Tra với trưởng công an quận và đồng chí Hòe đều nhất trí thẻ công nhân viên của ông là thẻ do bọn phản động ngụy tạo nhằm phá rối cách mạng. Ông Thăng, nếu ông nhất định không khai báo số vàng mang theo, chúng tôi được lệnh trên bắt ông.”

“Bắt tôi?” Tôi ngạc nhiên. “Tôi phạm tội gì?”

“Ông thật tình không biết tội gì à? Di chuyển ra thành phố miền biển mà không có giấy phép đi đường. Cư trú bất hợp pháp vì không khai báo công an khu vực. Xài thẻ giả do bọn phản động cấp! Tổ chức cho người khác vượt biên để lấy vàng và bản thân có ý đồ sẽ vượt biên. Sao? Từng đó đủ tội chưa? Ông có muốn tôi kể thêm vài thứ nữa không? Mà ông có biết vượt biên là phản quốc không?”

Tôi giận run lên. Hai tay tôi bấu chặt mép ghế. Lúc đầu y nói tôi có ý đồ vượt biên, bây giờ y gán thêm cho tôi cái tội tổ chức vượt biên. Y trói tôi bằng một sợi dây xích buộc tội mà y đang nắm. Không có giấy đi đường? Đúng quá chớ còn gì nữa. Thành phố này là nơi có nhiều người tìm đường vượt biên. Nhưng mà ý đồ vượt biên? Cả gia đình tôi, bạn bè tôi, ai mà chẳng có. Tôi nhìn ngó xung quanh. Đồn công an phường này là một ngôi nhà khá rộng nằm ở góc ngã tư đường, có lẽ đây là biệt thự của một người di tản trước ngày quân cộng sản lấn tới vào tháng Ba Bảy Lăm. Chỗ tôi ngồi là phòng khách. Hai bên là phòng ngủ. Một dãy ghế sắt xếp được đặt dọc sát tường, đã có khách ngồi chờ. Tôi thấy trên tay người nào cũng cầm một tờ giấy. Thỉnh thoảng cánh cửa phòng bên mở, một người bước ra với khuôn mặt buồn thảm, đầu cúi thấp. Một tiếng gọi tên người từ bên trong vọng ra. Một người bên ngoài nhổm dậy, hấp tấp đi vào. Tôi ngó người công an áo vàng. Y ngó tôi. Sau cùng y đứng dậy ra lệnh:

“Đi theo tôi!”

Y bước lên cầu thang. Mặt gỗ xỉn đen. Tay vịn nhớp nhúa. Y đưa tôi vào một căn phòng nhỏ trống trơn. Không bàn ghế giường tủ. Cửa sổ lá sách có khóa. Ngọn đèn bóng giữa trần nhà chiếu ánh sáng vàng vọt xuống mặt sàn một vòng tròn. Y đưa cho tôi một tờ giấy mỏng vàng xỉn và một cây bút bic đã nhòe mực ở đầu viên bi.

“Viết lời khai báo vào tờ này. Cần giấy thêm cứ gõ cửa tôi đưa thêm. Nếu thành thật sẽ được trên xét khoan hồng.”

Và y bỏ đi. Cánh cửa sau lưng khép lại. Tôi nghe tiếng tra chìa vào ổ khóa. Tiếng kêu lách cách của một vòng quay. Tôi đứng ngay giữa phòng, cầm trên tay một cây bút và một tờ giấy. Tất cả đều vàng ám. Như màu tường. Như những tháng ngày tôi đang sống.

Tôi ngó lên trần nhà. Tôi đặt tờ giấy và cây bút xuống sàn. Tôi thọc hai tay vào túi quần. Tôi nhìn xuống đôi dép dưới chân. Tôi không hiểu mình sẽ phải làm gì. Tôi không hề chờ đợi chuyện sẽ xảy ra sáng hôm nay. Tôi không tìm ra lý lẽ để cắt nghĩa những diễn biến mà tôi đang phải đương đầu. Tôi khai gì? Tôi có gì mà khai? Những ngọn đèn bạch lạp còn cháy trên bàn thờ người anh tôi. Tiếng đọc kinh của nhà sư còn vang đọng trong trái tim tôi. Tiếng khóc của bà chị dâu tôi và các cháu gái tôi còn thổn thức trong lồng ngực tôi. Những giọt nước mắt của Quỳnh khi thấy bọn ruồi nhặng hoạch họe xông vào nhà đang có tang chay. Tôi thấy tôi hèn nhát. Nếu tôi là người nằm trong mồ, và anh Thúc tôi là người đứng đây, tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra? Ừ, chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi chưa biết, nhưng tôi tin là nó sẽ không xảy ra giống cái cảnh tượng mà tôi đang chịu đựng. Có thể anh đập vào mặt tên công an, Có thể anh sẽ tung cửa nhảy xuống lầu. Có thể… có thể…Nhưng anh đã chết. Cha tôi đã chết. Mẹ tôi đã chết. Tôi có cần sống không?

Tôi đi dọc đi ngang, đếm từng viên gạch dưới chân. Tôi đi qua đi lại, đếm tiếng động trong đầu. Tôi cộng trừ nhân chia những ý nghĩ. Cả nhà có biết là tôi đang bị giam trong trạm công an khu vực này không? Tôi không biết Quỳnh đang làm gì khi tôi bỗng nhiên biệt tích. Tôi thấy vô số hình ảnh đang chiếu trên tấm màn trí tưởng tôi. Tuấn luật sư, nhà cách mạng Ba Mươi Tháng Tư, thầy giáo Nguyên “nằm vùng”, Hiên hiệu trưởng của chế độ mới, cô nữ sinh Nhị Hà từ Bắc vào… Tôi thấy Kiệt, người học sinh xuất sắc nhất lớp, hai con mắt đỏ hoe báo tin cha cậu đã tự tử, Tâm “khô khốc thiền sư” ngồi uống ly cà phê với tôi ở lề đường Nguyễn Du, nói về chuyện vợ con đã mất tích trên biển nhưng phải viết một bản “thu hoạch” chính trị phản tỉnh về những gì mình đã cầm bút trước đây. Tôi nghe lại tiếng nói của ông Mười Tân lạnh và bén. Rất tiếc! Rất tiếc! Như một lưỡi dao treo lơ lửng trên đầu tôi. Nòng súng của tên công an áo vàng dí vào đầu tôi vì tôi đeo kính đen khi nói chuyện với hắn. Cả một thời phong kiến trước đây trong các tác phẩm của Ngô Tất Tố, Bùi Hiển, Nam Cao… bây giờ đang sống lại một cách rực rỡ như chưa từng thấy. Đời sống mới mẻ minh họa cho những trang tiểu thuyết của xã hội trước năm Bốn Mươi Lăm. Cai tổng, Lý trưởng, ông Cò, thầy đội… tái sinh trong những bộ quần áo mới, ngôn ngữ mới.

Tôi ngồi bệt xuống sàn gạch bông, thứ gạch bông đã từ lâu không được lau chùi đang rít nháp xỉn đen cáu bẩn. Tôi thấy thèm một điếu thuốc. Tôi nghe thoảng mùi cà phê. Tôi đứng dậy bước đến cửa cầm tay nắm vặn thử. Cửa đã khóa trái. Tôi đi về phía cửa sổ. Cửa lá sách có chấn song đã khóa. Tôi ngó xuống phía dưới mặt đường. Bất ngờ tôi thấy Quỳnh đứng bên cạnh chị dâu tôi và cháu Thùy. Cả ba người đàn bà đang chụm đầu vào nhau. Tôi muốn kêu to lên cho Quỳnh biết là tôi đang ở đây, Tôi muốn đập bể cánh cửa sổ nhảy xuống phía dưới kia. Tôi có thể làm được không? “Không được! Không được! Phải bình tĩnh! Phải rất bình tĩnh!” Tôi tự nói với mình như vậy.

Tôi bước lại giữa phòng, cúi xuống lấy tờ giấy và cây bút trên sàn. Tôi nguệch ngoạc mấy chữ:

“Q. Anh đang ở ngay trong căn phòng trên lầu này.”
“T.”

Tôi xếp tờ giấy làm tư, đến bên cửa sổ, nhìn xuống. Cả ba người đàn bà vẫn còn đứng đó. Ba cái đầu không còn chụm vào nhau. Cả ba khuôn mặt đều nhìn về một phía cánh cửa chính của đồn công an khu vực. Tôi đẩy tờ giấy qua kẽ lá sách. Tờ giấy mỏng chao lượn trong không làm trái tim tôi cũng chao lượn theo. Rất chậm, nó đáp xuống gần chân của bà chị dâu tôi. Không ai nhìn thấy tờ giấy tôi vừa thả xuống. Một đỗi lâu, Quỳnh sửa thế, quả quyết bước thẳng. Bà chị dâu tôi và cháu Thùy theo sau. Tôi thấy chân chị tôi dẫm lên tờ giấy.

“Cả thế giới này đã bỏ quên tôi rồi!”

Bụi Và Rác – Chương Chín / Phần 1


* Blog của Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.