Và lò này là lò bếp (cookstove). Lò nấu bằng củi. Hay than. Hay bằng giấy vụn. Hoặc bằng dầu, khí, ethanol, v.v… chứ không phải là lò thiêu hay lò hơi như một số bạn đọc dự đoán. Thật ra nếu có ai cách đây hai năm bảo tôi là vào cuối tháng 2 năm 2011 tôi sẽ gặp trên 360 chuyên viên trên thế giới cùng nhau tụ họp ở Lima để nói về lò trong vòng 6 ngày liên tiếp thì phản ứng đầu tiên của tôi sẽ là…đúng là rảnh có khác!
Vì chỉ nếu phải nói về lò thôi thì cần gì phải tốn tới 6 ngày? Và trên 360 người làm chuyên viên đặc trách về một vấn đề quá đơn giản?
Vậy mà nó lại không đơn giản như tôi tưởng. Thế mới thấy đúng là “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Sau khi đi sáu ngày đàng, tôi đã học được, tôi nghĩ, ít nhất là sáu cái sàng mà cái nào cái nấy cũng to tổ bố, chẳng biết bao giờ tôi mới có thời gian ngồi gạn lọc lại được hết để dành gậm nhấm cho mai sau!
Đầu tiên phải nói về cái sàng…Lima. Đây là thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của Peru. Hôm đáp máy bay xuống phi trường quốc tế Jorge Chavez, tôi và thằng bạn đồng nghiệp VJ người Iran được khách sạn cử nhân viên ra đón ngay cổng sân bay nên chẳng thấy bỡ ngỡ gì cho lắm. Chỉ cho đến khi xe chạy trên đường về khách sạn, tôi mới nhận thấy là thật ra thủ đô Lima có thể…đẹp hơn nếu như dân chúng họ chịu sơn phết lại nhà của họ cho có màu sắc một tí. Không như hiện tại hầu như chẳng có cái nhà nào được hoàn tất có sơn phết tô xi măng hẳn hoi. Tôi cứ thắc mắc không hiểu tại sao nhà ai trông cũng giống như chỉ đang được xây lở dở như ở Haiti?
Và các bạn biết tại sao không? Đó là vì theo như nhân viên của khách sạn cho tôi biết, ở Peru cũng như ở Haiti, bạn chỉ phải trả tiền thuế nhà đất một khi nhà được xây xong. Và vì “xây xong” được định nghĩa là nhà đã được hoàn tất sơn phết hẳn hoi nên…chẳng có ai muốn sơn phết để phải đóng thuế! Ngoại trừ những khu người giàu ở.
Vậy mới thấy đi đâu cũng vậy. Đồng tiền trên thực tế có ảnh hưởng hơn nhiều những gì chúng ta nghĩ. Nó làm cho tôi nhớ lại lần đầu tiên về Hà Nội làm việc vào cuối thập niên 1990, lần đầu tiên thấy được những khu nhà cổ ở Hàng Trống, Hàng Bông, Hàng Mã, v.v… cái nào cũng rất hẹp nhưng cũng rất dài. Hỏi ra thì mới biết được đó là vì ngày xưa thuế nhà được tính theo chiều ngang mặt bằng phía trước của ngôi nhà nên hầu hết ai cũng thích xây nhà hẹp và dài để…trốn thuế!
Bởi thế tôi nghĩ điều kiện căn bản nhất trước khi ban hành bất kỳ luật lệ nào là nó phải có tính chất thực tế, phải được bàn cãi, phân tích lâu dài cũng như “thấy” trước được những gì mà người dân họ sẽ làm một khi luật ra đời. Nếu không, nó sẽ để lại những hậu quả khó mà lường trước được trong tương lai. Vì luật nói cho cùng chỉ là công cụ để một cộng đồng, một xã hội tạo dựng nên để tự chế cũng như tự phát. Nó cần và phải được thay đổi liên tục để xã hội ngày càng được văn minh, công bằng hơn.
Trở lại với thủ đô Lima. Điều thứ hai mà tôi nhận thấy là người Peru họ nhỏ con hơn tôi nghĩ. Phần lớn họ đều có dạng người khá thấp, nhỏ nhỏ con và hơi đen (cái này thì hình như giống tôi!). Hôm tôi đến là vào chiều thứ bảy nên đường phố nơi nào cũng kẹt cứng những người và xe. Sang đến hôm sau tình hình cũng chẳng tốt hơn tí nào vì hình như dân chúng ai họ cũng thích ở ngoài đường hơn là nghỉ ngơi ở nhà. Trong những khu vực shopping ăn uống, nơi nào cũng ồn ào, náo nhiệt, đầy nhóc trẻ con và thanh thiếu niên chen nhau dạo chơi với gia đình, bè bạn. Điều này trái ngược hẳn với cách sinh hoạt vào những ngày nghỉ cuối tuần ở Úc hay ở Mỹ. Nó yên ả và lắng đọng hơn nhiều.
Ngay cả các món ăn của người Peru tôi thấy cũng khác. Họ ăn đủ thứ và cái gì họ cũng thích. Từ hamburger, french fries, soup, gà chiên, mì xào cho đến cơm, bắp, khoai lang luộc… món gì tôi cũng thấy có bán và nơi nào cũng có người sắp hàng chờ mua. Đặc biệt là các món ăn đồ biển.
Nhắc đến các món ăn đồ biển thì tôi phải ngay tức khắc nhắc đến món ceviche nổi tiếng của người Peru. Nếu có dịp đến nơi này chắc chắn các bạn phải tìm mua cho được và sau đó là thưởng thức món ăn ngon nhất này, theo tôi nghĩ. Nó từa tựa như món gỏi cá sống ở Phú Quốc nhưng có phần hơi chua hơn, cay hơn, cho nhiều hành dấm hơn và đặc biệt là có pha trộn cả tôm và bào ngư sống. Chưa ăn qua thì tôi nghĩ các bạn nên tìm đến nó một lần để cho biết như người ta. Còn nếu đã lỡ ăn qua rồi thì bị ghiền như tôi là cái chắc!
Nhưng có lẽ bài học lớn nhất mà tôi học được trong chuyến đi này không phải là văn hóa hay các món ăn của người Peru. Mà nó là những gì họ đã và đang thực hiện về các chương trình chống đói, giảm nghèo liên quan đến lò bếp. Đặc biệt là sự quan tâm hiếm có của đương kim đệ nhất phu nhân quốc gia Peru, bà Pilar Nores de Garcia.
Trong sáu ngày cùng nhau làm việc, bà cùng các nhân viên đã có mặt 5 ngày liên tục từ sáng đến tối. Để chia sẻ và nhận thức được rằng mỗi năm trên thế giới có ít nhất là hai triệu đàn bà và trẻ em bị chết sớm vì phải ngửi các khí độc trong bếp. Và hiện tại có trên 2 tỉ người cần có và biết được cách dùng lò bếp và nhiên liệu một cách tốt hơn để sức khỏe không bị ảnh hưởng cũng như tiết kiệm được tiền bạc cho gia đình. Vì các bạn thử nghĩ xem, nếu như mỗi ngày một gia đình nghèo khó ở một quốc gia thứ ba chỉ làm ra được 1 đô nhưng họ đã phải tốn đến 40 cents tiền mua củi đốt để nấu ăn thì việc họ cần có lò để tiết kiệm được tí tiền mua sữa cho con là điều quá dể hiểu.
Câu chuyện về cái lò bếp nghĩ kỹ ra không đơn giản là vì thế. Nó liên quan không những đến vấn đề môi sinh, tạo dựng công ăn việc làm mà còn có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống kinh tế của những người cùng khổ nhất thế giới.
Hôm tôi có dịp ngồi nói chuyện với bà Pilar trong giây lát, tôi có hỏi bà là tại sao bà lại chọn những cái lò bếp để dấn thân thì bà bảo: trong ba thập niên qua, năm nào kinh tế của đất nước Peru cũng phát triển 5, 6%. Nhưng riêng con số những gia đình thuộc thành phần nghèo nhất trong xã hội thì không hề thay đổi. Điều đó có nghĩa là sự phát triển và giàu có của đất nước đã không được trải đều cho tất cả mọi người và cũng không hẳn là tốt hơn cho tất cả mọi người. Vì vậy họ mới là những người đáng cho chúng ta quan tâm nhất.
Nghe bà nói đến đây, tôi tự hỏi: phải chi đệ nhất phu nhân nào cũng nghĩ được như thế?
* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.