Tình hình tự do báo chí ở VN bị chú ý nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới

  • VOA

Blogger Tạ Phong Tần, Điếu Cày và Phan Thanh Hải

Năm 1993, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc công bố chọn ngày 3/5 là Ngày Tự do Báo chí Thế giới hầu cổ võ cho quyền tự do ngôn luận và quyền tự do báo chí trên toàn cầu, đồng thời nhắc nhở các chính quyền chuyên chế phải tôn trọng nhân quyền căn bản của người dân. Tình hình tự do báo chí tại Việt Nam một lần nữa được chú ý nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5 năm nay.

Trong số 12 nhà báo bị đàn áp trên thế giới được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lưu ý nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5 năm nay có trường hợp của blogger-nhà báo tự do Điếu Cày của Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi Hà Nội phóng thích blogger Điếu Cày, đồng thời nêu rõ vụ bắt giữ blogger này xảy ra cùng lúc với chiến dịch đàn áp hàng loạt các ký giả công dân giữa lúc chính quyền Việt Nam loan báo về nghị định mới giới hạn quyền tự do internet và kiểm duyệt các trang nhật ký điện tử cá nhân.

Trên trang web nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Dân chủ, Nhân quyền, và Lao động, ông Michael Posner, nhấn mạnh:

“Chúng tôi kêu gọi chính phủ các nước trả tự do cho các nhà báo đang bị cầm tù, chấm dứt những giới hạn ngăn cản ký giả hành nghề và đưa tin trung thực, và cho phép giới ký giả góp phần xây dựng một xã hội bền vững.”

Ngay trước Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5, phúc trình thường niên về nền tự do báo chí toàn cầu do tổ chức cổ xúy dân chủ và nhân quyền thế giới Freedom House thực hiện tiếp tục giữ tên Việt Nam trong danh sách các nước không có tự do báo chí trên thế giới. Trên bảng xếp hạng của Freedom House, Việt Nam hiện đứng thứ 182 trên tổng số 197 quốc gia và lãnh thổ được khảo sát trong năm vừa qua.

Bà Rachel Jacobs, chuyên viên phân tích nghiên cứu về Châu Á thuộc Freedom House

Bà Rachel Jacobs, chuyên viên phân tích nghiên cứu về Châu Á thuộc Freedom House, cho Ban Việt ngữ VOA biết:

“Thứ hạng của Việt Nam năm nay không thay đổi mấy so với những năm gần đây và hơi sụt hạng so với năm trước. Chúng ta thấy xu hướng giới hạn quyền tự do của nhà báo và blogger tại Việt Nam không những tiếp diễn mà còn tệ hơn. Số nhà báo, blogger bị bắt giam không ngừng gia tăng cùng với sự đe dọa sách nhiễu những người cầm bút. Tính tới cuối năm 2011, có 18 blogger bị tống giam, đó là chưa kể tới các nhà báo. Hai trong số các trường hợp Freedom House đặc biệt quan tâm là ông Vũ Đức Trung và ông Lê Văn Thành bị phạt tù vì đã phát thanh các chương trình Pháp Luân Công sang Trung Quốc.”

Chia sẻ cảm nghĩ nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới, một ngòi bút trong nước được biết đến qua bút hiệu Trương Ba Không cho rằng đánh giá của tổ chức Freedom House về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam là chính xác:

“Về tự do báo chí của Việt Nam, cảm giác thất vọng tới tột cùng và đến bây giờ không còn thất vọng hơn được nữa. Những tiếng nói khác đi một chút như chúng tôi, thật sự không được phép nói. Có nói trên các trang mạng hay trang cá nhân của mình cũng bị sự kiểm duyệt hết sức tinh vi và hà khắc của nhà cầm quyền. Thế giới đánh giá tự do báo chí Việt Nam hoàn toàn không có tôi đồng ý với quan điểm như thế. Nó phản ánh đúng hiện trạng Việt Nam hiện nay.”


Một blogger nổi tiếng khác có bút hiệu là Người Buôn gió phát biểu về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam nhân Ngày Tự do Báo chí 3/5 năm nay:

“Ngày Tự do Báo chí là ngày tôi phải làm việc với cơ quan an ninh điều tra về những bài viết. Tôi nghĩ câu trả lời đấy cũng đủ cho độc giả hiểu về tình trạng tự do báo chí của Việt Nam. Là một người dân Việt Nam và một người yêu chuộng sự viết lách tự do, tôi thấy đây là một điều quá buồn và quá thất vọng.”

Ngày Tự do Báo chí Thế giới năm nay diễn ra giữa lúc dư luận trong và ngoài nước đang chú ý tới phiên xử sắp tới dành cho 3 blogger được nhiều người biết tiếng là AnhbaSG, Điếu Cày, và Tạ Phong Tần. Ba thành viên chủ chốt của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do bị cáo buộc tội ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’vì những bài viết phản ánh những bất công trong xã hội và phản đối Trung Quốc xâm lấn chủ quyền Việt Nam.

Ngày 3/5 hằng năm được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Ngày Tự do Báo chí Thế giới nhằm nhắc nhở các nước tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm của công dân được quốc tế công nhận.



http://www.youtube.com/embed/g1pCvRdC-dIhttp://www.youtube.com/embed/pCFFR3owjIk