Từ chuyện Đinh Công Hướng nhớ chuyện Phạm Quốc Thái

Phạm Quốc Thái đang chạy Grab. (Hình: Trích xuất từ trang web báo Thanh Niên)

Vào thời điểm các cơ quan truyền thông chính thức “phát hiện” ra Thái, Thái đã làm công việc “nhập liệu” hơn nửa năm. Thu nhập một tháng tròm trèm… 2,8 triệu đồng, thua cả phụ hồ!

Phần 2

Câu chuyện ông Đinh Công Hướng – thành viên Hội đồng chuyên ngành về Toán của NAFOSTED (Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia) – bị tố cáo “vi phạm liên chính khoa học” vì bán các bài nghiên cứu cho Đại học (ĐH) Tôn Đức Thắng và ĐH Thủ Dầu Một để hai trường này có cơ hội xuất hiện trên một số tạp chí khoa học quốc tế, nhằm nâng cao tên tuổi, uy tín của họ, chỉ là một trong vô số ví dụ liên quan đến thân phận của những người có thực học, thực tài tại Việt Nam.

Một tuần trước khi câu chuyện vừa kể bùng lên và lan rộng, hôm 24/10/2023, khi tham gia thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam, ông Lê Quân, người vừa là Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, vừa là Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), than rằng, hệ thống đại học – nơi đào tạo nhân lực cho quốc gia không thể tuyển dụng và lưu giữ những cá nhân có thực học, thực tài. Theo ông Quân, các đại học chỉ có khả năng trả 15 triệu đồng/tháng cho một tiến sĩ có năm năm kinh nghiệm.

Tình trạng vừa kể không phải chỉ là chuyện của các đại học ở Hà Nội. Hồi 2021, Bộ Giáo dục – Đào tạo (GDĐT) công bố một báo cáo về “tự chủ đại học”, theo đó, khoảng 60% giảng viên đại học tại Việt Nam có thu nhập hàng năm dao động trong khoảng từ 100 triệu đến 150 triệu, nghĩa là chỉ từ 8,3 triệu đến 12,5 triệu mỗi tháng. Cũng vì vậy, theo ông Quân, cơ sở đào tạo nào tuyển được tiến sĩ trong lĩnh vực khoa học cơ bản từ nước ngoài về và trả được cho người ta từ 15 triệu đến 20 triệu/tháng thì rất... phấn khởi (1)!

Đó là ông Lê Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐBQH – nói, còn những tiến sĩ có thực học, thực tài, có thực sự ... phấn khởi khi thu nhập của họ chỉ ngang, thậm chí chỉ bằng một nửa so với thu nhập của những người giúp việc nhà loại... cao cấp (2)?

***

Ông Hướng và những tiến sĩ từ nước ngoài về được các đại học tuyển dụng, trả cho mức lương từ 15 triệu đến 20 triệu/tháng là những ví dụ về đãi ngộ trí thức làm... thầy. Trí thức có thực học, thực tài muốn làm việc cũng chẳng khá hơn!

Năm 2019, có một câu chuyện làm dư luận rúng động: Phạm Quốc Thái, 26 tuổi, cựu sinh viên từng theo học chương trình “Kỹ sư tài năng” thuộc Khoa Kỹ thuật xây dựng của Đại học Bách khoa TP.HCM, từng là một trong sáu người được Intel – một tập đoàn công nghệ của Mỹ - chọn trao học bổng, trị giá 65.000 Mỹ kim để theo học chương trình đào tạo Thạc sĩ tại Đại học Arizona, đang vừa làm việc cho Ban Quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) của TP.HCM, vừa chạy xe ôm nhưng không đủ… sống (3).

Trước đó, sau khi tốt nghiệp đại học, Thái từng được một doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam tuyển dụng, lương 12 triệu đồng/tháng. Vì muốn tiến xa hơn, Thái nộp hồ sơ xin học bổng và được cả chính phủ Ý lẫn Intel cùng chọn để trao học bổng. Thái bỏ học bổng do chính phủ Ý cấp để đi theo chương trình mà Intel vạch ra: Hỗ trợ chính quyền TP.HCM thực hiện “Chương trình Đô thị thông minh” bằng cách chọn trao sáu học bổng – đài thọ cho sáu người mà Intel tin là sau khi hoàn tất chương trình tu nghiệp, cả sáu sẽ giúp chính quyền TP.HCM triển khai thành công “Chương trình Đô thị thông minh”. Tốt nghiệp, Thái quay về Việt Nam, trình diện chính quyền TP.HCM và được phân công về Ban Quản lý An toàn thực phẩm. Nơi này giao cho Thái “nhập liệu”.

“Nhập liệu” – tên gọi loại việc vốn xa lạ với nhiều người – chỉ là chuyển dữ liệu từ giấy tờ vào máy tính, còn nói theo kiểu bình dân, “nhập liệu” là… đánh máy vi tính. Vào thời điểm các cơ quan truyền thông chính thức “phát hiện” ra Thái, Thái đã làm công việc “nhập liệu” hơn nửa năm. Thu nhập một tháng tròm trèm… 2,8 triệu đồng, thua cả phụ hồ! Bởi không thể bỏ việc vì đã cam kết sẽ phục vụ chính quyền TP.HCM ít nhất ba năm, để không chết đói, không thành vô gia cư vì không trả được tiền thuê nhà, buổi tối, Thái chạy… xe ôm. Công việc duy nhất mà Thái làm, có liên quan đến chuyên môn là tham dự một chương trình do một tổ chức ngoại quốc tài trợ - mỗi cuối tuần, theo xe buýt đến Tây Ninh, truyền bá kiến thức khoa học cho dân chúng vùng sâu, vùng xa!

Theo các cơ quan truyền thông chính thức, Phạm Quốc Thái không phải là trường hợp cá biệt. Cậu chỉ là một ví dụ. Trong kế hoạch trợ giúp TP.HCM thực hiện “Chương trình Đô thị thông minh”, Intel đã chi khoảng 400.000 Mỹ kim để đào tạo sáu thạc sĩ các chuyên ngành: Công nghệ thông tin, Vật liệu xây dựng, Giao thông Vận tải, Môi trường,… Tuy nhiên khi quay về, chỉ có hai trong sáu người là may mắn - được sắp đặt vào những vị trí đúng chuyên môn!

Chú thích

(1) https://vnexpress.net/dai-hoc-gap-kho-vi-chi-tra-luong-tien-si-duoc-15-trieu-4668378.html

(2) https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/giup-viec-luong-gan-40-trieu-dongthang-gap-10-lan-cu-nhan-moi-ra-truong-20231108104443285.htm

(3) https://thanhnien.vn/thoi-su/lang-phi-nguoi-tai-du-hoc-thac-si-ve-lam-nhap-lieu-1095840.html