Một hãng thông tấn của Hàn Quốc hôm 21/1 đưa tin rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump thích thành phố Đà Nẵng còn lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un lại muốn tới thủ đô Hà Nội, giữa lúc Việt Nam đang trở thành ứng viên hàng đầu có thể đăng cai hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa lãnh đạo Hoa Kỳ và Bắc Hàn.
Nguyên thủ Mỹ từng tới thành phố miền Trung để dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) rồi sau đó bay ra thủ đô của Việt Nam để thăm chính thức.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của VOA tiếng Việt, Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành, ông nội của lãnh tụ Kim Jong Un, từng tới thăm Việt Nam hơn 60 năm trước.
Yonhap còn cho biết thêm rằng Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và người đồng nhiệm Hoa Kỳ Mike Pompeo đã điện đàm trong ngày 21/1 để thảo luận về Bắc Hàn, nhất là chuyến thăm mới đây của đặc sứ Triều Tiên Kim Yong-chol tới Mỹ để gặp và đàm phán với các quan chức chủ nhà, trong đó có Tổng thống Trump.
Sau đó, Mỹ thông báo rằng ông Trump sẽ gặp lại lãnh tụ Bắc Hàn trong cuộc họp thượng đỉnh song phương lần thứ hai vào cuối tháng Hai.
Theo Reuters, trả lời các phóng viên tại Nhà Trắng về cuộc họp với đặc sứ Triều Tiên, Tổng thống Trump cho biết “đã chọn một nước” tổ chức, nhưng “sẽ thông báo trong tương lai”. “Ông Kim Jong Un rất nóng lòng, và tôi cũng vậy”, ông Trump nói.
Trong công cuộc cải cách và phát triển, ảnh hưởng của một quốc gia tới một quốc gia khác không chỉ phụ thuộc vào sức mạnh kinh tế hay quan hệ thân tình mà còn ở sự tương đồng về hoàn cảnh và tính khả dụng của cách đi.Tiến sĩ Vũ Minh Khương nói với VOA tiếng Việt.
Trước cuộc họp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa năm ngoái ở Singapore, Việt Nam cũng được nhiều nhà quan sát coi là “địa điểm lý tưởng” để đón hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tới họp bàn.
Trả lời VOA Việt Ngữ về lý do vì sao Việt Nam lại đóng vai trò ngày càng lớn trong vấn đề liên quan tới Triều Tiên, tiến sĩ Vũ Minh Khương từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore nói rằng “trong công cuộc cải cách và phát triển, ảnh hưởng của một quốc gia tới một quốc gia khác không chỉ phụ thuộc vào sức mạnh kinh tế hay quan hệ thân tình mà còn ở sự tương đồng về hoàn cảnh và tính khả dụng của cách đi”.
Chuyên gia từng có nhiều năm học tập và làm việc ở Mỹ này nói thêm rằng “ảnh hưởng của Việt Nam với Triều Tiên là ở khía cạnh thứ hai này”.
Cuối năm ngoái, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho đã công du 4 ngày Việt Nam và gặp các quan chức hàng đầu của nước chủ nhà, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Ông Phúc sau đó được cổng thông tin chính phủ dẫn lời nói với ông Ri rằng Hà Nội “sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Triều Tiên, trong đó có việc mở rộng kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư và du lịch".
Trước đó, trong chuyến thăm tới Việt Nam lần đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Mike Pompeo phát biểu: “Trước sự thịnh vượng và mối quan hệ đối tác chưa từng thấy mà Hoa Kỳ đang có với Việt Nam hiện nay, tôi xin có một thông điệp cho Chủ tịch Kim Jong Un: Tổng thống Trump tin rằng đất nước của ngài có thể lặp lại con đường của Việt Nam. Sẽ là cơ hội của ngài nếu ngài nắm bắt nó. Phép màu này có thể trở thành phép màu của ngài ở Bắc Triều Tiên”.
“Hoa Kỳ đã rõ ràng về những gì chúng tôi mong đợi từ phía Bắc Triều Tiên để khởi động cho tiến trình này. Sự lựa chọn bây giờ thuộc về Bắc Triều Tiên và nhân dân của họ. Nếu họ làm được việc này, họ sẽ được nhớ đến, và Chủ tịch Kim sẽ được nhớ đến như một anh hùng của nhân dân Triều Tiên”, Ngoại trưởng Mỹ nói thêm.
Your browser doesn’t support HTML5