Tổng thống Mỹ Barack Obama vận động cho những đề xuất thương mại quốc tế của ông hôm thứ Sáu, nói rằng Mỹ phải bảo đảm rằng mình "viết nên những luật lệ của nền kinh tế toàn cầu" hoặc thay vào đó đứng nhìn Trung Quốc làm vậy.
"Và chúng ta nên làm điều đó hôm nay, khi nền kinh tế của chúng ta đang có thế mạnh toàn cầu," Tổng thống Obama nói với công nhân tại trụ sở của đại công ty sản xuất giày thể thao Nike ở bang miền tây Oregon.
Nếu Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được phê chuẩn, công ty Nike dự đoán thỏa thuận này sẽ tạo ra được 10.000 công ăn việc làm ở Mỹ.
Ông Obama ca ngợi TPP là "thỏa thuận thương mại có tiêu chuẩn cao nhất, tiến bộ nhất trong lịch sử," với những điều khoản mạnh mẽ và khả hành để ngăn chặn những vấn đề như lao động trẻ em, buôn bán sinh vật hoang dã và phá rừng.
Nếu không có những thỏa thuận như vậy để đưa doanh nghiệp và người lao động Mỹ vào "sân chơi bình đẳng" – áp dụng cùng những quy định và điều kiện như những nước khác - Tổng thống nói Trung Quốc sẽ đặt ra luật lệ mà sẽ cho người lao động và doanh nghiệp Trung Quốc lợi thế cạnh tranh so với các công ty và sản phẩm của Mỹ.
"Tự do thương mại không chỉ trọng yếu đối với thành công hiện thời của chúng ta. Nó thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai của chúng ta," Giám đốc điều hành Nike Mark Parker nói khi ông giới thiệu ông Obama.
Tổng thống Obama đã hối thúc Quốc hội cho ông thẩm quyền "đẩy nhanh" tiến trình đàm phán để đạt được những thỏa thuận thương mại nhanh hơn, thông qua một dự luật được gọi là Thẩm quyền Thúc đẩy Thương mại, TPA, mà sẽ quy định sự duyệt xét của quốc hội đối với thỏa thuận thương mại với các nước Thái Bình Dương, cũng như một thỏa thuận riêng biệt với Liên minh châu Âu. Các nghị sĩ Quốc hội có thể phê chuẩn hoặc bác bỏ những thỏa thuận thương mại theo luật này, nhưng không thể đòi hỏi những thay đổi cụ thể.
Nhiều người trong số những đồng minh thông thường của ông Obama trong những phong trào lao động và môi trường và một số nghị sĩ Đảng Dân chủ trong Quốc hội mạnh mẽ chống đối dự luật TPA.