Tổng thống Philippines nói hôm thứ Sáu 29/9 rằng nước này kiên quyết bảo vệ lãnh thổ và quyền lợi của ngư dân nước mình, đồng thời không muốn gây chuyện. Phát biểu của ông được đưa ra trong bối cảnh bất đồng đang gia tăng giữa Philippines và Trung Quốc về quyền tiếp cận bãi cạn chiến lược Scarborough ở Biển Đông.
Trong tuần này, lực lượng tuần duyên Philippines cho hay họ đã cắt đứt một hàng rào nổi dài 300 mét do Trung Quốc lắp đặt để chặn lối vào bãi cạn Scarborough trong vòng tranh chấp gay gắt, vốn bị Bắc Kinh kiểm soát trong hơn một thập kỷ nay.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos (con), trong phát biểu đầu tiên về tình trạng căng thẳng mới nổ ra, nói rằng Philippines đang khẳng định quyền đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Ông Marcos nói với các phóng viên: “Những gì chúng tôi sẽ làm là tiếp tục bảo vệ Philippines, lãnh hải của Philippines, quyền đánh bắt cá của ngư dân chúng tôi ở những khu vực mà họ đã hoạt động hàng trăm năm nay”.
Lực lượng hải cảnh của Trung Quốc đã phản bác lời mô tả của Philippines về sự việc đã diễn ra, trong khi đó, Hoa Kỳ đứng về phía đồng minh Manila, với việc một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ gọi hành động của phía Philippines là một “bước đi táo bạo” và nhấn mạnh là Mỹ có các nghĩa vụ theo hiệp ước về việc bảo vệ thuộc địa cũ của mình.
Mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc gần đây đã xấu đi, chủ yếu là do ông Marcos đề nghị tăng cường quan hệ quốc phòng với Washington, bao gồm cả việc ông mời quân đội Mỹ tiếp cận các cơ sở ở Philippines, trên danh nghĩa là nhằm mục đích huấn luyện và nhân đạo.
“Tổng thống thực sự chân thành về cam kết của ông, theo đó, chúng tôi sẽ không nhường một tấc lãnh thổ của mình cho bất kỳ thế lực nước ngoài nào”, phát ngôn viên lực lượng tuần duyên Jay Tarriela nói trong một cuộc họp báo.
Trung Quốc, vốn cho rằng bãi cạn Scarborough là lãnh thổ của mình, đã chỉ trích Mỹ về điều mà họ gọi là hành động khiêu khích trong khu vực.
Ông Tarriela cho hay kể từ khi cắt đứt hàng rào nổi, Philippines nhận thấy Trung Quốc hiện diện ít đi ở bãi cạn.
Vẫn ông Tarriela cho biết một chuyến bay thanh sát hôm 28/9 đã nhìn thấy 3 tàu hải cảnh Trung Quốc và 1 tàu dân quân biển, so với 7 tàu Trung Quốc hồi tuần trước.
Ông nói thêm rằng có 2 tàu Philippines đang đánh cá ở bãi cạn này nhưng vẫn còn rất khó đi vào vùng đầm phá của bãi cạn.