Tranh cãi trường chuyên: Anh khác Việt Nam ra sao?

Một screenshot trang web của Trường Trung học Phổ thông Hà Nội - Amsterdam.

Một screenshot trang web của Trường Trung học Phổ thông Hà Nội - Amsterdam.

Tranh luận về trường chuyên ở Việt Nam đã lan từ mạng xã hội sang truyền thông chính thống trong nửa cuối tháng Sáu sau khi có đề nghị bán Trường Trung học Phổ thông Hà Nội - Amsterdam của một cựu học sinh có hạng của trường này.

Một trong những lý do được đưa ra là tiền từ ngân sách nhà nước được chi để phục vụ con nhà giàu và nó không công bằng đối với những gia đình nghèo khó. Cũng có ý kiến nêu ra chuyện tồn tại trường chuyên ở những quốc gia như Anh để nói rằng cần giữ những trường như Hà Nội – Amsterdam. Vậy so trường chuyên ở Anh, thường được gọi là grammar school, với trường chuyên ở Việt Nam có hợp lý không? Và liệu Anh có ham gì trường chuyên không?

Thứ nhất, các trường chuyên ở Anh không đòi học sinh phải có học bạ sáng ngời với toàn điểm 10, cả thật lẫn giả, để thi vào các trường này. Bất kỳ học sinh nào cũng có thể thi nếu muốn. Nhiều người Anh dửng dưng khi nghe nói tới trường chuyên và chẳng buồn cho con họ thi vào, một số người khác cho rằng đó là biểu hiện của phân biệt đối xử và của thuyết ưu sinh. Có những khảo sát cho thấy nhiều trẻ em gốc Trung Quốc và Pakistan vào các trường chuyên ở Anh. Cá nhân tôi biết một số gia đình Trung Quốc đã cố gắng hết sức để cho con vào được trường chuyên, thậm chí trường chuyên tốt nhất. Nhưng đa số các vùng ở Anh giờ cũng chẳng còn trường chuyên nào nữa.

Tại Anh, học sinh thi vào trường chuyên khi 11 tuổi. Các trường cũng sẽ cộng điểm cho những học sinh ít tháng tuổi hơn so với những học sinh cùng thi để đảm bảo công bằng. Tại Dartford ở vùng Kent, nơi tôi sống, trường chuyên nam cũng dành một nửa trong số 180 suất vào lớp bảy, lớp đầu tiên ở trường chuyên, cho những người đóng thuế cho hội đồng địa phương của Dartford. Ngân sách giáo dục cho các trường chuyên chính là từ nguồn thuế này mà ra. Mức mỗi gia đình phải đóng dựa vào số phòng ngủ mà họ có trong nhà và số người ở. Hiện tôi đóng chừng 160 bảng mỗi tháng cho nhà ba phòng ngủ. Tôi sẽ được giảm 25% thuế địa phương nếu nhà chỉ có một người ở. Hội đồng địa phương lấy số tiền thu được chi cho các hoạt động khác nhau ở địa phương trong đó có giáo dục.

Để vào trường chuyên các học sinh ở Kent phải trải qua ba phần thi gồm tiếng Anh, toán, tư duy qua đọc hiểu và suy luận. Điểm tối đa cho ba môn là 423 và điểm đỗ cho năm 2019 là 330. Ngoài ra các em cũng phải viết một bài luận không để chấm điểm nhưng sẽ được dùng khi trường của thí sinh khiếu nại dựa vào kết quả học tập trong sáu năm trước đó. Hạt Kent cũng tổ chức một kỳ thi chung cho các thí sinh muốn vào các trường chuyên khác nhau ở Kent thay vì mỗi trường tổ chức kỳ thi riêng của họ.

Tranh luận về chuyện trường chuyên có nên tồn tại không diễn ra từ lâu và hiện cũng vẫn chưa chấm dứt. Anh từng có trên 1000 trường chuyên cho tới đầu thập niên 1960 nhưng sau đó chính quyền của Đảng Lao động đã quyết định bãi bỏ các trường này để tạo cơ hội bình đẳng cho mọi trẻ em. Việc thực hiện và lộ trình giải tán các trường chuyên được giao cho các hội đồng địa phương thực hiện. Những hội đồng địa phương do Đảng Lao động chiếm đa số đã nhanh chóng xoá bỏ trường chuyên nhưng các vùng mà Đảng Bảo thủ kiểm soát lần chần và vẫn giữ lại một số trường. Hiện nay tại Vương Quốc Anh, xứ Wales và Scotland không còn trường chuyên nào, Bắc Ai-len còn chưa tới 70 và Anh chỉ có trên 160 trường (trong tổng số khoảng 3000 trường công được gọi là comprehensive school). Người ta ước tính các trường chuyên ở Anh chỉ dạy chừng 5% tổng số học sinh phổ thông trung học so với 40% ở Bắc Ai-len.

Những trường chuyên ít ỏi còn lại có một hội riêng để cố gắng duy trì sự tồn tại của họ và cũng vận động hành lang để có cơ hội mở thêm trường mới hay ít nhất là chi nhánh của các trường hiện tại. Họ nói nếu tất cả trường tiểu học phổ thông dạy cách thi vào các trường chuyên, cơ hội cho các em sẽ là ngang nhau.

Nhưng cũng có những nghiên cứu trong đó có đánh giá từ Đại học Durham chỉ ra rằng trường chuyên thực ra chẳng mang lại lợi ích gì thiết thực so với trường thường và các em học trường chuyên có kết quả tốt chẳng qua là do khả năng học của các em là chính thay vì do trường tốt. Những người muốn xoá bỏ trường chuyên cho rằng kể cả khi các trường này có góp phần vào sự tiến bộ của một số nhỏ học sinh thì sự thụt lùi của phần lớn các học sinh khác do các trường chuyên hớt 25 phần trăm học sinh giỏi nhất và cả ngân sách được hưởng lớn hơn trường thường cũng cho thấy cần chấm dứt trường chuyên. Đó là còn chưa kể tới chuyện những trường grammar school ở Anh cũng bị tố cáo góp phần tạo ra sự co cụm xã hội khi trẻ thuộc tầng lớp khá giả tụ tập ở trường chuyên trong khi trường thường có một số lượng quá nhiều trẻ nhà nghèo.

Cũng phải nói thêm ở Anh hiện vẫn có trên 1000 trường tư, được gọi là independent school, và những người có tiền thoải mái cho con vào những trường này nếu sẵn sàng trả chừng 13.000 bảng mỗi năm. Tranh cãi ở đây chỉ là có nên bỏ tiền thuế của dân để duy trì số trường chuyên ít ỏi còn lại mà thôi. Anh cũng có luật quy định nếu có quá 20% phụ huynh của tất cả các trường trong một vùng yêu cầu huỷ trường chuyên thì cần có bỏ phiếu để quyết định. Cho tới nay chỉ có duy nhất một lần có bỏ phiếu như vậy và đa số phụ huynh bỏ phiếu vẫn giữ trường chuyên.