Có ‘thỏa thuận ngầm’ tại Hội nghị TƯ 6?

Phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 6, ngày 4/10/2017. (Ảnh chụp từ Infonet.vn)

Hàng loạt hiện tượng không bình thường tại Hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền vào nửa đầu tháng 10/2017 đã khiến dư luận xã hội và giới quan sát chính trị hoài nghi về khả năng đã có một “thỏa thuận ngầm” nào đó về “mức độ và đối tượng chống tham nhũng”.


Những hiện tượng bất thường


Đầu tiên là sự xuất hiện bất thường của hai chuyên đề “dân số” và “chăm sóc sức khỏe nhân dân” trong nghị trình Hội nghị trung ương 6 mà đã hoàn toàn lạc nhịp với nội dung chính của một “hội nghị nhân sự”.

Sau đó là phát ngôn trong bài diễn văn bế mạc hội nghị 6 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự giác gột rửa”, và “Từ nay bất cứ ai vi phạm kỷ luật sẽ bị xử lý nghiêm”.

Hiện tượng thứ ba là trong suốt 7 ngày họp Hội nghị trung ương 6, ngoài vụ “diệt ruồi” duy nhất đối với Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, người ta hoàn toàn không thấy ông Trọng nói gì đến vụ ông Đinh La Thăng.

Một hiện tượng bên lề không nên bỏ qua là cũng trong suốt thời gian họp Hội nghị trung ương 6, blogger Huy Đức đã lắng tiếng một cách kỳ lạ, dù ngay trước đó blogger này đã dồn dập tung ra các thông tin theo ý “chỉ chờ Đinh La Thăng bị bắt”. Từ nửa cuối năm 2015 đến nay, Huy Đức lại thể hiện như “cây bút tín hiệu” đối với những biến động về nhân sự trong nội bộ đảng.

Vào tháng Mười năm 2016, trước khi diễn ra Hội nghị trung ương 4 về “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa”, cũng cây viết Huy Đức đã nổ phát súng đầu tiên vào Ủy viên bộ chính trị, Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng bằng loạt bài viết về trách nhiệm của ông Thăng khi còn là Chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN). Tuy nhiên sau Hội nghị trung ương 4, tình hình vẫn im ắng đối với ông Thăng. Khẩu khí ồn ào khoa trương cùng hoang tưởng theo cách “TP.HCM phải phấn đầu có được giải Nobel y tế” của Bí thư Thăng chỉ thật sự chấm dứt trước Hội nghị trung ương 5 vào tháng Năm năm 2017 khi ông Thăng bất ngờ bị Bộ Chính trị kỷ luật và mất ghế tại Sài Gòn.

Chỉ trước Hội nghị trung ương 6 vài tuần lễ, Đinh La Thăng đã bị một cấp nào đó bật đèn xanh để luật sư của Nguyễn Xuân Sơn - người vừa lãnh án tử hình trong vụ án Hà Văn Thắm của Ngân hàng Đại Dương - tung ra một văn bản chứng minh rõ sự chỉ đạo của Đinh La Thăng khi còn là Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN về yêu cầu các đơn vị thành viên mở tài khoản và giao dịch với ngân hàng Đại Dương.

Khi phiên tòa xử Hà Văn Thắm kết thúc với án chung thân cho nhân vật này, Hội đồng xét xử còn đề nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của người chỉ đạo gửi 800 tỷ đồng của PVN vào Ngân hàng Đại Dương để sau đó số tiền này hoàn toàn biến mất. Báo chí nhà nước đã ồn ào đưa tin về vụ việc này, thậm chí một số tờ báo đã bắt đầu đụng chạm đến cái tên Đinh La Thăng theo quan điểm được bật đèn xanh về “không có vùng cấm”.

Khi đó, đã dậy lên một luồng đồn đoán về khả năng Đinh La Thăng có thể bị Bộ Công an bắt, thậm chí bắt trước Hội nghị trung ương 6.

Tuy nhiên đến sát thời điểm khai mạc Hội nghị trung ương 6 vào ngày 4/10/2017, không có một thông tin chính thức nào về “hổ Đinh La Thăng”. Cùng lúc xuất hiện bất thường của hai chuyên đề “dân số” và “chăm sóc sức khỏe nhân dân” trong nghị trình Hội nghị trung ương 6. Dấu hỏi bật ra: phải chăng nghị trình dự kiến của Hội nghị trung ương 6 đã định “xử” Đinh La Thăng, nhưng do không thể làm được việc này nên đã trám khoảng trống thời gian bằng hai chuyên đề “lo cho dân”?

Đó là một khả năng có thể.


Chỉ thị 15?


Vụ “Đinh La Thăng biến mất tại Hội nghị trung ương 6” khiến tình thế chuyển sang một giả thiết mới: phải chăng đã xảy ra một “sự cố” nào đó trước hội nghị này, hoặc cũng có thể gọi là một “lực cản” mà đã khiến cho quy trình “khai trừ Đinh La Thăng” của Tổng bí thư Trọng không thể suôn sẻ và đành phải giẫm chân tại chỗ?

Cho tới nay, Chỉ thị số 15 của Bộ Chính trị vẫn còn nguyên tác dụng. Theo văn bản này, công an muốn bắt giam đối tượng là đảng viên thì phải báo cáo cho những cấp ủy đảng phụ trách đảng viên đó. Sau đó, cấp ủy đảng phải làm động tác kỷ luật và có thể khai trừ đảng đối với đảng viên vi phạm, trên cơ sở đó công an mới có thể tiến hành những động tác tố tụng hình sự.

Với Đinh La Thăng, ông vẫn còn giữ ghế ủy viên trung ương sau khi bị loại khỏi Bộ Chính trị. Một giả thiết đặt ra là nếu cơ quan công an đề nghị Bộ Chính trị và Ban chấp hành trung ương khai trừ Đinh La Thăng để có cơ sở khởi tố và bắt giam ông, liệu Tổng bí thư Trọng có dám làm đúng theo nguyên tắc của Chỉ thị 15? Hoặc ông Trọng đã có thể phải nhận một phản ứng không mấy đồng thuận từ “tập thể Bộ Chính trị” mà do đó đã không thể đưa vụ khai trừ Đinh La Thăng ra Hội nghị trung ương 6?


“Đầu voi đuôi chuột”?


Một giả thiết khác cũng đang tồn tại.

Bởi khẩu khí của Tổng bí thư Trọng trong bài diễn văn bế mạc Hội nghị 6 như “Ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự giác gột rửa”, và “Từ nay bất cứ ai vi phạm kỷ luật sẽ bị xử lý nghiêm” được xem là “nhu mì” hẳn, nếu so sánh với “Lò đã đốt lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy” - một phát ngôn cảm xúc cao độ cũng của ông Trọng vào đầu tháng Tám năm 2017 khi nổ ra vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh “theo cáo buộc của Chính phủ Đức, còn phía Việt Nam thì công bố trên truyền hình “Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về đầu thú”.

Khẩu khí và cách nói trên của ông Trọng cho thấy điều gì?

Phải chăng công cuộc được tuyên giáo là “chống tham nhũng” của Nguyễn Phú Trọng đã một lần nữa “đầu voi đuôi chuột”, mà qua phát ngôn của ông Trọng có thể được hiểu là “chống tham nhũng” chỉ là “từ nay trở đi”, còn vô số vụ tham nhũng trong quá khứ được xếp vào dạng “đập chuột nhưng không vỡ bình” hoặc “không đập chuột để giữ bình”?

Chỉ một ngày sau Hội nghị trung ương 6, câu hỏi trên dường như đã được giải đáp. Vào buổi sáng ngày 12/10/2017, ông Nguyễn Phú Trọng đã có buổi tiếp xúc cử tri tại quận Ba Đình, Tây Hồ (Hà Nội). Trước nhiều bức xúc của cán bộ lãnh thành, trong đó “khen vụ Đà Nẵng, chê vụ Yên Bái” và nhiều cử tri hỏi tại sao cho đến giờ Thanh tra chính phủ vẫn chưa công bố kết luận thanh tra biệt phủ của Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Yên Bái, ông Trọng cho rằng phải bình tĩnh xem xét toàn diện các mặt để tìm nguyên nhân, khi xử lý thì "không phải dập cho người ta không thể ngóc đầu dậy được, Bác Hồ dạy cốt để cán bộ sửa sai, để tiến bộ trưởng thành...".

4 tháng trước, tâm thế của ông Trọng cũng trở nên “hiền hòa” một cách bất ngờ. Trong cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội ngày 23/6/2017, ông Trọng có một phát biểu “lạ”: “Đối với Trịnh Xuân Thanh đã khai trừ đảng và khởi tố, truy nã toàn quốc, quốc tế. Chúng ta làm đồng bộ nhưng phải có bước đi, có tình, có lý, mở đường cho người ta tiến, cốt là đánh động để răn đe, ngăn ngừa” - một cách nói rất dễ khiến dư luận hiểu rằng ông đã mệt mỏi và chấp nhận thất bại trong quyết tâm trước đó “bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh”.

Cần lưu ý, tháng Sáu năm 2017 lại là khoảng thời gian mà quyết tâm “bắt bằng dược Trịnh Xuân Thanh” đã dường như bị tụt xuống mức thật thấp, thấp đến mức vô vọng.

Phải chăng vào lúc này, tâm thế “xử” Đinh La Thăng cũng lúng túng hệt như lúc chưa xảy ra vụ người Đức tố cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh?


“Thỏa thuận ngầm”?


Dư luận xã hội cũng đặt dấu hỏi về liệu đã có một “thỏa thuận ngầm” nào đó giữa người đứng đầu đảng cầm quyền với một thế lực chính trị nào đó, để khi vụ việc Đinh La Thăng “êm” thì những vụ tày trời khác như Võ Kim Cự - cựu bí thư Hà Tĩnh và bị xem là một trong những thủ phạm gây ra nạn xả thải của nhà máy Formosa làm ô nhiểm biển 4 tỉnh miền Trung, Nguyễn Thị Kim Tiến - đương kim bộ trưởng Bộ Y tế và là nhân vật phải chịu trách nhiệm về vụ Công ty Pharma nhập thuốc ung thư giả gây phẫn uất trong dư luận, biệt phủ gây phẫn nộ dư luận của Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Yên Bái và là em ruột Bí thư tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thanh Trà… cũng được cho “chìm xuồng”…

Trong thực tế, công cuộc “chống tham nhũng” của đảng CSVN chưa bao giờ thực tâm và cũng chưa bao giờ đạt được một kết quả đáng kể nào nhằm “yên dân”. Và nếu giả thiết về “thỏa thuận ngầm” là có cơ sở, chủ trương “chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng - không chỉ với Đinh La Thăng mà đối với rất nhiều quan chức “trót nhùng chàm” khác - sẽ được người dân và cán bộ hiểu thuần túy theo cách “đánh trống bỏ dùi”, “bánh vẽ”, trong đó không loại trừ thâm ý “chống tham nhũng nhằm mặc cả quyền lực”.