Trung Quốc ‘khó lòng tự mình phát triển mạng 6G’

Công viên thử nghiệm mạng 5G ở trụ sở hãng viễn thông Huawei ở Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc

Tham vọng phát triển mạng viễn thông 6G của Trung Quốc có thể là nỗ lực để tránh lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài trong tương lai nhưng Trung Quốc khó có thể tự xây dựng mạng 6G mà không có sự hợp tác với các nước, một chuyên gia về viễn thông cho biết.

Hồi đầu tháng 11, nhà chức trách Trung Quốc loan báo đã thành lập những tổ nghiên cứu để triển khai phương án phát triển mạng 6G, tức là mạng viễn thông thế hệ thứ 6, chỉ vài ngày sau khi mạng 5G chính thức được tung ra ở đất nước đông dân nhất thế giới.

Trong lúc này, đại đa số dân số thế giới vẫn còn kết nối với mạng 4G và rất ít nước có mạng 5G như Trung Quốc, chứ đừng nói đến đang hướng đến mạng 6G.

‘Nghiên cứu sơ bộ’

Theo tin tức từ truyền thông nhà nước Trung Quốc, Cục Công nghệ nước này đã chính thức thành lập một nhóm các chuyên gia để nghiên cứu về kết nối internet di động thế hệ tiếp theo, tức mạng 6G.

Tin này được công bố trong buổi lễ ra mắt mạng 6G tại Bắc Kinh hôm 3/11, theo trang mạng Chinanews.com.

Theo đó, tổng cộng có 37 chuyên gia viễn thông đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và tập đoàn có mặt trong tổ này với nhiệm vụ được giao là phác thảo sự phát triển của mạng 6G và chứng minh tính khả thi về mặt khoa học của nó.

Ông Vương Hy, Thứ trưởng Cục Công nghệ, được dẫn lời nói rằng Cục này cầnlàm việc với các chuyên gia để thiết kế một kế hoạch nghiên cứu cụ thể cho mạng 6G và thực hiện nghiên cứu sơ bộ.

Trao đổi với VOA, GS-TS Đỗ Văn Thành, người đang nghiên cứu về mạng 5G và an ninh cho tập đoàn viễn thông Telenor của Na Uy, nói rằng đây chỉ mới là tuyên bố sẽ nghiên cứu thôi chứ ‘chưa có gì cụ thể hết’.

“Họ chỉ mới chú trọng vào vấn đề hành chánh, tức sắp xếp như thế nào để công việc được tốt đẹp.”

“Trung Quốc muốn cho thấy họ đã xong mạng 5G rồi. Bây giờ cho dù có hay không sự hỗ trợ của các nước khác thì họ cũng có thể bắt tay vào xây dựng mạng 6G,” ông Thành nói và cho rằng đây là ‘sự biểu dương lực lượng của Trung Quốc’.

“Có thể đây là đòn chính trị trong cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ,” ông nói. “Họ muốn phát triển công nghệ của mình để tránh bị trừng phạt. Bây giờ họ bị trừng phạt trong công nghệ 5G thì họ chuyển sang làm 6G.”

Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, bị Mỹ đưa vào danh sách đen hạn chế giao dịch và Washington cũng kêu gọi các quốc gia đồng minh loại trừ Huawei trong các kế hoạch phát triển mạng 5G.

Theo Tiến sĩ Thành, ‘hiện giờ thế giới còn chưa biết thế nào về mạng 6G do chưa có định nghĩa gì hết’.

“Mạng 6G còn rất phôi thai cho nên về phương diện kỹ thuật thật ra chưa có định nghĩa gì hết,” ông nói và cho biết cách nay 6 tháng, Phần Lan mới chính là quốc gia khởi xướng mạng 6G khi mời các nước Na Uy, Đức, Pháp và Mỹ tham dự vào dự án nghiên cứu mạng 6G.

Theo định nghĩa rất sơ khai thì mạng 6G có thể là ‘nhằm để cho tất cả mọi người trên thế giới đều có thể vào được mạng’.

Mặc dù mạng 5G là mạng điện thoại cầm tay nên có thể phục vụ cho tất cả các dụng cụ, thiết bị từ nhà máy sản xuất cho đến xe hơi, đồng hồ điện, lò sưởi, thiết bị y tế… nhưng hiện tại ‘chỉ cung cấp kết nối được cho khoảng 40% dân số thế giới’, ông cho biết và chỉ ra những nhiều nơi ở Nam Mỹ hay châu Phi chưa có kết nối Internet.

‘Khó một mình một chợ’

Khi được hỏi liệu Trung Quốc có đi theo đường hướng này cho mạng 6G theo định nghĩa của nhóm nghiên cứu ở Phần Lan hay không, Giáo sư Thành nói ‘họ phải đi theo xu hướng chung’.

“Trên phương diện viễn thông, tức là kết nối với nhau, cần có sự đồng ý và hợp tác với nhau. Một qua gia tự định hướng thì sẽ bị cô lập,” ông giải thích.

“Trước đây Nhật Bản hay Hàn Quốc họ phát triển mạng lưới điện thoại cầm tay đầu tiên 1G, 2G, 3G khác rất nhiều so với phương Tây và Mỹ,” ông dẫn chứng. “Nhưng qua đến mạng 4G, 5G thì đã rất giống nhau.”

“Do đó, tôi nghĩ rằng qua đến mạng 6G cũng phải có sự hợp tác với nhau.”

“Hơn nữa là nếu thiết bị làm khác nhau thì giá thành sẽ bị đẩy cao, còn nếu giống nhau hết thì một người có thể sản xuất cho toàn thế giới. Như vậy sẽ có lợi hơn,” ông nói thêm.

Mặc dù với việc triển khai mạng 6G sớm này Trung Quốc cho thấy họ không muốn lệ thuộc vào ai nhưng trong đường dài, ông Thành cho biết, ‘trước sau gì Trung Quốc cũng phải hợp tác với các nước khác’.

“Nếu họ thật sự có ý định làm một mình thì họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn,” ông nói và cho biết các chi tiết kỹ thuật cần phải được thỏa thuận với nhau thì mạng của Trung Quốc mới có thể kết nối với các nước.

Với lại, Trung Quốc sở dĩ giàu lên được là ‘nhờ bán hàng cho khắp các quốc gia khác’ chứ không phải chỉ bán cho thị trường nội địa của họ, ông Thành nói. Mặc dù với thị trường khổng lồ trên 1,4 tỉ dân Trung Quốc hoàn toàn có thể phát triển 6G chỉ riêng cho thị trường của họ.

Theo chuyên gia này, trong thế giới hiện nay ‘không có bất cứ quốc gia nào có đủ khả năng tự túc về công nghệ’ nên bắt buộc cần phải có sự hợp tác phát triển mạng 6G.

Riêng về mạng 5G, vốn cũng chỉ mới vừa được triển khai ở Trung Quốc, ông Thành nói rằng ‘cần phải 2 năm nữa’ thì mạng này mới phổ cập được trên thế giới.

Ông chỉ ra hạn chế của mạng 5G là ‘đắt tiền’ và ‘đòi hỏi cao về kỹ thuật, về khả năng công nghệ’ nên chỉ có các nước phát triển mới triển khai được.

“Do đó cần mạng 6G để có thể bành trướng ra các nước nghèo và cung ứng hết cho toàn thế giới,” nhưng vì 6G ‘còn quá mới’ trong khi mạng 5G vẫn chưa triển khai xong, nên hiện nay các quốc gia vẫn còn chú trọng vào mạng 5G, GS-TS Đỗ Văn Thành phân tích.

Trung Quốc triển khai 5G

Trung Quốc chỉ mới tung ra các gói dữ liệu 5G của họ hôm 31/10 thông qua ba nhà mạng thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc là China Mobile, China Unicom và China Telecom, tờ Daily Mail của Anh cho biết.

Theo đó, đây là công tác triển khai mạng 5G lớn nhất thế giới. Quốc gia này sắp sửa kích hoạt hơn 130.000 trạm phát sóng vào cuối năm nay để hỗ trợ cho mạng 5G, cũng theo tờ báo này.

Các kỹ sư Trung Quốc cũng đã xây dựng một ‘thị trấn 5G thông minh’ ở gần Thượng Hải, nơi cư dân có thể tải xống phim truyền hình, phim điện ảnh hoặc trò chơi với tốc độ ấn tượng là 1,7 GB mỗi giây.

Tín hiệu 5G được phát đến các ngõ ngách của thị trấn Ô Trấn rộng 27 dặm vuông với hơn 140 máy phát vốn mới đi vào hoạt động.

Theo Daily Mail, Trung Quốc cũng đang trên lộ trình hoàn thành nhà ga tàu cao tốc được trang bị mạng 5G với sự hợp tác của hãng công nghệ khổng lồ Huawei.

Mạng 5G ‘siêu nhanh’ sẽ được trang bị cho nhà ga Thượng Hải Hồng Kiều, một trong những đầu mối giao thông tấp nập nhất châu Á với lưu lượng khoảng hành khách khoảng 60 triệu mỗi năm.

Hành khách đến ga sẽ có thể tải phim có độ phân giải cao có dung lượng 2 GB trong chưa đầy 20 giây, theo Huawei.

Để so sánh, sẽ mất ba phút và 20 giây để tải xuống cùng một bộ phim trên mạng 4G tiêu chuẩn.

5G mạnh như thế nào?

Kể từ khi điện thoại di động được phát minh vào năm 1980 để cho phép dữ liệu tương tự được truyền qua các cuộc gọi điện thoại, hệ thống G đã được thành hình.

Kể từ đó, khả năng và năng lực truyền dữ liệu của mạng di động đã tăng ồ ạt.

Nhiều dữ liệu có thể được truyền từ điểm này sang điểm khác thông qua mạng di động nhanh hơn bao giờ hết.

Mạng 5G dự kiến sẽ nhanh hơn 1.000 lần so với mạng 4G hiện hành.

Trong khi sự chuyển đổi từ 3G lên 4G là ích lợi nhất cho việc lướt web và làm việc trên thiết bị di động, bước nhảy lên 5G sẽ làm cho tốc độ truyền dữ liệu nhanh đến mức y như thời gian thực.

Điều đó có nghĩa là các hoạt động trên thiết bị di động sẽ nhanh như mạng internet văn phòng.

Nhiều khả năng có thể trở thành hiện thực nhờ vào mạng 5G, chẳng hạn như phiên dịch đồng thời nhiều ngôn ngữ trong một cuộc họp qua truyền hình; xe tự lái có thể tải phim, nhạc và thông tin chỉ đường từ đám mây; một bộ phim dung lượng 8GB có thể được tải xuống trong 6 giây…

Mạng 5G dự kiến sẽ nhanh và hiệu quả đến mức có thể bắt đầu chấm dứt thời kỳ của các thiết bị có dây. Đến cuối năm 2020, ước tính sẽ có 50 tỷ thiết bị kết nối vào mạng 5G.

Tuy nhiên, đối với các quốc gia đang phát triển, chính sự lan rộng của kết nối mạng giá rẻ bằng công nghệ đời cũ 4G mới ảnh hưởng đến cuộc sống hàng tỷ người trong những năm tới, chứ không phải mạng 5G, Reuters dẫn khảo sát của nhánh nghiên cứu của tập đoàn công nghệ viễn thông GSMA cho biết.

Ở các thị trường mới nổi như Nigeria, Mexico, Ấn Độ hay Indonesia, sự kết hợp giữa điện thoại thông minh Android và dữ liệu giá rẻ sẽ đem đến tiềm năng tăng trưởng.

GSMA dự báo rằng vào năm 2025 sẽ có 59% kết nối di động toàn cầu sử dụng mạng 4G.

“Đối với phần đông những quốc gia này, mạng 5G vẫn chưa xuất hiện,” ông Tim Hatt, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của GSMA Intelligence, được Reuters dẫn lời nói.