BANGKOK —
Trong lúc quân đội Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên theo dõi sát các hoạt động của binh lính cũng như sự di chuyển của các trang thiết bị quân sự và phi đạn của Bắc Triều Tiên, Trung Quốc không cho biết gì nhiều về những biện pháp phòng ngừa mà quân đội của họ đang thực hiện. Trung Quốc là nước có đường biên giới dài nhất với Bắc Triều Tiên, nhưng các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh đang tập trung vào việc duy trì ổn định và không mấy quan tâm tới việc có thể bị ảnh hưởng bởi các hành vi thù nghịch trên bán đảo Triều Tiên. Thông tín viên Daniel Schearf của đài VOA ở Bangkok gởi về bài tường thuật sau đây.
Trong khi Bắc Triều Tiên leo thang những luận điệu gây chiến, Hoa Kỳ đã điều động oanh tạc cơ tàng hình từ tiểu bang Missouri bay tới Nam Triều Tiên, đồng thời di chuyển một hệ thống phòng thủ phi đạn tới đảo Guam.
Nam Triều Tiên đưa tàu chiến tới tuần tra các vùng biển của miền Nam. Tình báo Nam Triều Tiên cho biết họ đang theo dõi các hệ thống phóng phi đạn của Bắc Triều Tiên đang được di chuyển về vùng duyên hải phía đông, nhưng không thấy có những sự di chuyển quy mô lớn của các binh sĩ hoặc thiết bị quân sự.
Trong khi đó, quân đội Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Bắc Triều Tiên, không có sự điều động rõ rệt nào để ứng phó với tình thế trước mắt, bất chấp hiệp định phòng thủ chung năm 1961 giữa hai nước.
Trung Quốc lâu nay vẫn muốn duy trì sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên để ngăn chặn làn sóng người tị nạn ồ ạt tràn qua biên giới. Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng mối lo ngại đó đã bị phóng đại.
Ông Carl Baker là Giám đốc các chương trình của Trung tâm Diễn đàn Thái Bình Dương ở Honolulu. Ông nói rằng hiện chưa có tin tức được kiểm chứng về bất kỳ động thái tăng cường quân sự quan trọng nào dọc theo biên giới.
Ông Baker nói: "Trung Quốc vẫn lo ngại về làn sóng tị nạn đến từ Bắc Triều Tiên, nhưng không phải vì đây sẽ là một vấn đề lớn đối với Trung Quốc. Nếu nhìn vào các số liệu, thì con số người tị nạn có thể rời Bắc Triều Tiên sẽ gây phiền nhiễu, nhưng chắc chắn không phải là một thảm họa đối với Trung Quốc để ứng phó với những người vượt biên. Tuy nhiên, tôi không thấy có bất kỳ bằng chứng cụ thể nào cho thấy là một lực lượng binh sĩ đông đảo đang di chuyển tới khu vực đó."
Hồi đầu tháng này, các hãng tin phương Tây trích lời các nguồn tin giấu tên cho biết đã có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang gia tăng số binh sĩ tại vùng biên giới giáp ranh với Bắc Triều Tiên, để chuẩn bị ứng phó với làn sóng người tỵ nạn trong trường hợp chiến tranh bùng nổ.
Hãng tin DPA của Đức tường thuật rằng động thái của Trung Quốc cũng nhằm giữ an ninh cho các cơ sở hạt nhân của Bắc Triều Tiên, trong khi bản tin của tờ Washington Times nói rằng hành động này là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng hậu thuẫn Bình Nhưỡng về mặt quân sự.
Các bản tin chưa được kiểm chứng đó đã được dịch ra tiếng Hoa và đăng lại trên một số trang web và blog của Trung Quốc, tuy nhiên tin này đã bị hầu hết các nhà phân tích bác bỏ.
Trong những lời phát biểu công khai, Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ lặp lại những thông báo cũ, kêu gọi tất cả các bên hãy giảm bớt căng thẳng, bắt đầu đối thoại và duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Trung Quốc có chung biên giới dài 1.400 km với Bắc Triều Tiên, dài gấp 5 đường biên giới thường được gọi là Vùng Phi Quân sự chia đôi hai miền Triều Tiên.
Không giống đường biên giới được canh gác cẩn mật giữa hai miền Nam và Bắc Triều Tiên, biên giới với Trung Quốc, dù được quân đội giám sát, vẫn được mở rộng một cách đáng ngạc nhiên.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã xây các hàng rào dọc theo một số khu vực biên giới, tuy nhiên đường biên giới này phần lớn hãy còn lỏng lẻo, trong đó có những đoạn hẹp của sông Tumen, là con sông đóng băng vào mùa đông và người ta có thể dễ dàng đi bộ sang phía bên kia biên giới.
Ông Euan Graham là một nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Kỹ thuật Nanyang ở Singapore. Ông nhận định rằng việc ngăn chận một vụ xung đột có thể khiến quân đội Mỹ được điều động tới biên giới Trung Quốc là một việc phục vụ cho các lợi ích của Bắc Kinh.
Ông Graham cho biết: "Theo tôi nghĩ, nhiều người, đặc biệt trong giới quân sự ở Trung Quốc, vẫn tin rằng Bắc Triều Tiên là một vùng trái độn. Theo tôi, đó là một yếu tố trong một cái nhìn chiến lược rộng lớn hơn. Trung Quốc đang điều chỉnh chiến lược của họ trong bối cảnh Hoa Kỳ thực hiện chiến lược tái cân bằng ở Á châu. Và tuy Bắc Triều Tiên có thể là một đồng minh ương ngạnh và có lúc mang lại những điều bất lợi, nhưng xét từ nhiều quan điểm khác nhau thì Bắc Triều Tiên là đồng minh duy nhất mà Bắc Kinh có được."
Sự tồn tại của Bắc Triều Tiên ngày nay là nhờ sự hỗ trợ quân sự của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Khi miền Bắc sắp bị binh lính của phe đồng minh tràn ngập, Bắc Kinh đã làm cho chiến cuộc xoay chiều bằng cách điều động một đạo binh khoảng 2 triệu quân để đẩy lui lực lượng Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ lãnh đạo.
Trung Quốc từng ví quan hệ với Bắc Triều Tiên là "môi hở răng lạnh."
Tuy nhiên, sự hiếu chiến của Bình Nhưỡng, và việc miền Bắc theo đuổi vũ khí hạt nhân, đã khiến Bắc Kinh hậu thuẫn các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc chống miền Bắc. Và, trong một cử chỉ mà một số nhà phân tích cho là để nói lên thái độ lạnh nhạt của mình, nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Bắc Triều Tiên Kim Jong Un vẫn chưa tới thăm Bắc Kinh từ khi lên nắm quyền sau khi thân phụ của ông qua đời.
Nhà phân tích Graham cho biết, không giống như ông Kim Jong Il – người đã qua đời năm 2011, ông Kim Jong Un không biết giới hạn của sự kiên nhẫn của Bắc Kinh, và cũng không biết ông có thể đẩy giới hạn đó tới mức nào.
Ông Graham nói: "Lẽ dĩ nhiên, ông Kim Jong Il có kinh nghiệm thực tiễn để bước tới gần lằn ranh đỏ của Trung Quốc, mà không hề bước qua lằn ranh. Đây là một yếu tố rủi ro khi có một nhà lãnh đạo trẻ, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, có nguy cơ vượt qua giới hạn vì tự tin quá mức. Bởi vì, tất nhiên, Bắc Triều Tiên càng phát triển khả năng hạt nhân và phi đạn thì càng có nguy cơ trở nên quá tự tin."
Trong khi đó, giới quan sát Trung Quốc đang theo dõi bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy có một thay đổi trong chính sách của Bắc Kinh đối với Bắc Triều Tiên.
Ông Baker nói giới quan sát cũng đang theo dõi sát những quan hệ đang phát triển giữa Bắc Kinh và Seoul.
"Tôi nghĩ rằng rốt cuộc, đối với Trung Quốc thì sự cạnh tranh thực sự tại Bắc Triều Tiên là giữa miền Bắc với miền Nam. Vì vậy tôi tin rằng điều mà chúng ta cần theo dõi là quan hệ giữa Nam Triều Tiên và Trung Quốc phát triển như thế nào trong tình huống có sự đối đầu khiêu khích chiến tranh giữa hai miền nam bắc. Lập trường của Trung Quốc là gì? Bắc Kinh sẽ hỗ trợ Bắc Triều Tiên đến mức nào, và hỗ trợ Nam Triều Tiên tới mức nào? "
Ông Baker cho rằng Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ đang cố gắng phá vỡ mô thức hành động cố hữu của Bắc Triều Tiên là làm gia tăng căng thẳng để tìm kiếm những sự nhượng bộ về ngoại giao và kinh tế.
Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục hối thúc các bên hãy tự chế và quay lại với các cuộc đàm phán quốc tế nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Cuộc đàm phán sáu bên có sự tham dự của Trung Quốc, Nhật Bản, hai miền Bắc và Nam Triều Tiên, Nga và Hoa Kỳ, bắt đầu vào năm 2003, nhưng đã chấm dứt hồi năm 2009, khi Bình Nhưỡng rút lui.
Các nỗ lực nhằm khởi động lại các cuộc đàm phán đã thất bại hồi tháng 12 năm ngoái, khi Bình Nhưỡng phóng thử nghiệm một phi đạn tầm xa. Tháng ba vừa qua họ lại thử nghiệm một thiết bị hạt nhân thứ ba.
Trong khi Bắc Triều Tiên leo thang những luận điệu gây chiến, Hoa Kỳ đã điều động oanh tạc cơ tàng hình từ tiểu bang Missouri bay tới Nam Triều Tiên, đồng thời di chuyển một hệ thống phòng thủ phi đạn tới đảo Guam.
Nam Triều Tiên đưa tàu chiến tới tuần tra các vùng biển của miền Nam. Tình báo Nam Triều Tiên cho biết họ đang theo dõi các hệ thống phóng phi đạn của Bắc Triều Tiên đang được di chuyển về vùng duyên hải phía đông, nhưng không thấy có những sự di chuyển quy mô lớn của các binh sĩ hoặc thiết bị quân sự.
Trong khi đó, quân đội Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Bắc Triều Tiên, không có sự điều động rõ rệt nào để ứng phó với tình thế trước mắt, bất chấp hiệp định phòng thủ chung năm 1961 giữa hai nước.
Trung Quốc lâu nay vẫn muốn duy trì sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên để ngăn chặn làn sóng người tị nạn ồ ạt tràn qua biên giới. Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng mối lo ngại đó đã bị phóng đại.
Ông Carl Baker là Giám đốc các chương trình của Trung tâm Diễn đàn Thái Bình Dương ở Honolulu. Ông nói rằng hiện chưa có tin tức được kiểm chứng về bất kỳ động thái tăng cường quân sự quan trọng nào dọc theo biên giới.
Ông Baker nói: "Trung Quốc vẫn lo ngại về làn sóng tị nạn đến từ Bắc Triều Tiên, nhưng không phải vì đây sẽ là một vấn đề lớn đối với Trung Quốc. Nếu nhìn vào các số liệu, thì con số người tị nạn có thể rời Bắc Triều Tiên sẽ gây phiền nhiễu, nhưng chắc chắn không phải là một thảm họa đối với Trung Quốc để ứng phó với những người vượt biên. Tuy nhiên, tôi không thấy có bất kỳ bằng chứng cụ thể nào cho thấy là một lực lượng binh sĩ đông đảo đang di chuyển tới khu vực đó."
Hồi đầu tháng này, các hãng tin phương Tây trích lời các nguồn tin giấu tên cho biết đã có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang gia tăng số binh sĩ tại vùng biên giới giáp ranh với Bắc Triều Tiên, để chuẩn bị ứng phó với làn sóng người tỵ nạn trong trường hợp chiến tranh bùng nổ.
Hãng tin DPA của Đức tường thuật rằng động thái của Trung Quốc cũng nhằm giữ an ninh cho các cơ sở hạt nhân của Bắc Triều Tiên, trong khi bản tin của tờ Washington Times nói rằng hành động này là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng hậu thuẫn Bình Nhưỡng về mặt quân sự.
Các bản tin chưa được kiểm chứng đó đã được dịch ra tiếng Hoa và đăng lại trên một số trang web và blog của Trung Quốc, tuy nhiên tin này đã bị hầu hết các nhà phân tích bác bỏ.
Trong những lời phát biểu công khai, Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ lặp lại những thông báo cũ, kêu gọi tất cả các bên hãy giảm bớt căng thẳng, bắt đầu đối thoại và duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Không giống đường biên giới được canh gác cẩn mật giữa hai miền Nam và Bắc Triều Tiên, biên giới với Trung Quốc, dù được quân đội giám sát, vẫn được mở rộng một cách đáng ngạc nhiên.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã xây các hàng rào dọc theo một số khu vực biên giới, tuy nhiên đường biên giới này phần lớn hãy còn lỏng lẻo, trong đó có những đoạn hẹp của sông Tumen, là con sông đóng băng vào mùa đông và người ta có thể dễ dàng đi bộ sang phía bên kia biên giới.
Ông Euan Graham là một nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Kỹ thuật Nanyang ở Singapore. Ông nhận định rằng việc ngăn chận một vụ xung đột có thể khiến quân đội Mỹ được điều động tới biên giới Trung Quốc là một việc phục vụ cho các lợi ích của Bắc Kinh.
Ông Graham cho biết: "Theo tôi nghĩ, nhiều người, đặc biệt trong giới quân sự ở Trung Quốc, vẫn tin rằng Bắc Triều Tiên là một vùng trái độn. Theo tôi, đó là một yếu tố trong một cái nhìn chiến lược rộng lớn hơn. Trung Quốc đang điều chỉnh chiến lược của họ trong bối cảnh Hoa Kỳ thực hiện chiến lược tái cân bằng ở Á châu. Và tuy Bắc Triều Tiên có thể là một đồng minh ương ngạnh và có lúc mang lại những điều bất lợi, nhưng xét từ nhiều quan điểm khác nhau thì Bắc Triều Tiên là đồng minh duy nhất mà Bắc Kinh có được."
Sự tồn tại của Bắc Triều Tiên ngày nay là nhờ sự hỗ trợ quân sự của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Khi miền Bắc sắp bị binh lính của phe đồng minh tràn ngập, Bắc Kinh đã làm cho chiến cuộc xoay chiều bằng cách điều động một đạo binh khoảng 2 triệu quân để đẩy lui lực lượng Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ lãnh đạo.
Trung Quốc từng ví quan hệ với Bắc Triều Tiên là "môi hở răng lạnh."
Nhà phân tích Graham cho biết, không giống như ông Kim Jong Il – người đã qua đời năm 2011, ông Kim Jong Un không biết giới hạn của sự kiên nhẫn của Bắc Kinh, và cũng không biết ông có thể đẩy giới hạn đó tới mức nào.
Ông Graham nói: "Lẽ dĩ nhiên, ông Kim Jong Il có kinh nghiệm thực tiễn để bước tới gần lằn ranh đỏ của Trung Quốc, mà không hề bước qua lằn ranh. Đây là một yếu tố rủi ro khi có một nhà lãnh đạo trẻ, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, có nguy cơ vượt qua giới hạn vì tự tin quá mức. Bởi vì, tất nhiên, Bắc Triều Tiên càng phát triển khả năng hạt nhân và phi đạn thì càng có nguy cơ trở nên quá tự tin."
Trong khi đó, giới quan sát Trung Quốc đang theo dõi bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy có một thay đổi trong chính sách của Bắc Kinh đối với Bắc Triều Tiên.
Ông Baker nói giới quan sát cũng đang theo dõi sát những quan hệ đang phát triển giữa Bắc Kinh và Seoul.
"Tôi nghĩ rằng rốt cuộc, đối với Trung Quốc thì sự cạnh tranh thực sự tại Bắc Triều Tiên là giữa miền Bắc với miền Nam. Vì vậy tôi tin rằng điều mà chúng ta cần theo dõi là quan hệ giữa Nam Triều Tiên và Trung Quốc phát triển như thế nào trong tình huống có sự đối đầu khiêu khích chiến tranh giữa hai miền nam bắc. Lập trường của Trung Quốc là gì? Bắc Kinh sẽ hỗ trợ Bắc Triều Tiên đến mức nào, và hỗ trợ Nam Triều Tiên tới mức nào? "
Ông Baker cho rằng Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ đang cố gắng phá vỡ mô thức hành động cố hữu của Bắc Triều Tiên là làm gia tăng căng thẳng để tìm kiếm những sự nhượng bộ về ngoại giao và kinh tế.
Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục hối thúc các bên hãy tự chế và quay lại với các cuộc đàm phán quốc tế nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Cuộc đàm phán sáu bên có sự tham dự của Trung Quốc, Nhật Bản, hai miền Bắc và Nam Triều Tiên, Nga và Hoa Kỳ, bắt đầu vào năm 2003, nhưng đã chấm dứt hồi năm 2009, khi Bình Nhưỡng rút lui.
Các nỗ lực nhằm khởi động lại các cuộc đàm phán đã thất bại hồi tháng 12 năm ngoái, khi Bình Nhưỡng phóng thử nghiệm một phi đạn tầm xa. Tháng ba vừa qua họ lại thử nghiệm một thiết bị hạt nhân thứ ba.