'TQ xây dựng ở Biển Đông không thay đổi được chủ quyền của VN'

Hải quân Việt Nam canh gác tại đảo Trường Sa Đông thuộc quần đảo Trường Sa.

Hà Nội tuyên bố các hoạt động bồi đắp đất ‘bất hợp pháp’ của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa không thay đổi được thực tế chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông.

Tuyên bố của phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ hôm nay (25/6) đáp lại khẳng định trước đó của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng rằng việc Bắc Kinh xây đảo, đá trên Biển Đông ‘trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc’, ‘hợp pháp, hợp lý, hợp tình.’

Trang web Bộ Ngoại giao Việt Nam dẫn phát biểu của ông Lê Hải Bình nhấn mạnh: ‘Lập trường của Việt Nam về vấn đề này đã được chúng tôi nhiều lần nêu rõ. Những hoạt động xây dựng, mở rộng đảo, đá quy mô lớn của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp; không thay đổi được thực tế là Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa.’

Ông Bình cũng nhắc lại yêu cầu lâu nay của Việt Nam rằng ‘Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động này, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa; nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có những hành động làm phức tạp tình hình, thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông''

Các hoạt động xây dựng của Trung Quốc vẫn tiếp diễn dù chính phủ tháng này đã loan báo giai đoạn khai hoang trong dự án 'gần hoàn tất'.

Trung Quốc nói sau khi hoàn thành dự án bồi lấp đất, Bắc Kinh sẽ triển khai xây dựng công trình đáp ứng công năng liên quan.

Tờ Manila Times dẫn nhận định của chuyên gia quốc tế về Biển Đông, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, cho rằng các đảo nhân tạo Trung Quốc đang xây phục vụ cho mục đích che dấu các tàu ngầm của Bắc Kinh.

Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc tuần này loan tin hoạt động xây đảo nhân tạo ở Biển Đông nhằm giúp cải thiện công tác theo dõi thời tiết, cảnh báo, dự báo, nghiên cứu hàng hải và có lợi cho tất cả các nước láng giềng cùng có tuyên bố chủ quyền tại đây.

Bài viết trên nhật báo Nhân dân của Trung Quốc nói Bắc Kinh cần thêm các phương tiện đo đạc khí hậu ở Trường Sa-Hoàng Sa và có ‘nghĩa vụ’ cung cấp báo cáo thời tiết chính xác hơn cho khu vực.

Các giới chức Trung Quốc cũng tuyên bố rằng những cơ sở xây dựng trên các đảo này ngoài hỗ trợ cho công tác quan sát thời tiết, tìm kiếm-cứu nạn, còn giúp bảo vệ môi trường.

Thế nhưng, giới khoa học cảnh báo các hoạt động của Trung Quốc ở Trường Sa đang gây thiệt hại nặng nề cho một trong những hệ thống san hô quan trọng nhất của Đông Nam Á.

Đáp lại, Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc khẳng định ‘tác động đối với các rạn san hô chỉ mang tính địa phương, tạm thời, kiểm soát được, và khôi phục được,’ tuy không nêu rõ các biện pháp cụ thể là gì.

Chính phủ Philippines tố cáo Bắc Kinh khiến các quốc gia duyên hải trong vùng thất thoát kinh tế hằng năm lên tới 281 triệu đô la khi xây đảo nhân tạo, hủy hoại môi trường sinh thái tự nhiên ở Biển Đông.

Theo Vietnam MOFA, People’s Daily, ManilaTimes.

Your browser doesn’t support HTML5

Truyền hình vệ tinh VOA 23/06/2015