Cảnh sát tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, xác nhận đã bắt giữ 3 người bán sách Hồng Kông từng bị coi là mất tích. Chính quyền Trung Quốc nói những người này đang bị điều tra về “các hoạt động bất hợp pháp”.
Các nhà phân tích nói lời xác nhận chính thức báo hiệu tin xấu về số phận của 3 người, vì điều đó cho thấy họ không hợp tác nhiều lắm đối với việc chuẩn bị hồ sơ pháp lý chống lại người chủ tuyển dụng họ là ông Quế Dân Hải. Ông này bị cho là đã chọc giận chính quyền Trung Quốc qua ý định xuất bản một cuốn sách tiết lộ chuyện tình ái của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Cảnh sát Hồng Kông ra tuyên bố báo chí đêm thứ Năm cho hay trong thư trả lời cảnh sát Hồng Kông, chính quyền Trung Quốc lục địa nói Lữ Ba, Trương Chí Bình và Lâm Vinh Cơ tình nghi dính líu vào vụ án liên quan đến ông Quế, và vì vậy “các biện pháp hình sự bắt buộc đã được áp dụng với họ”.
Lời giải thích chính thức được đưa ra sau hơn 3 tháng, 3 người mất tích vào cuối tháng 10, mà không nói rõ họ bị bắt giữ vì những cáo buộc gì.
Diễn biến mới nhất cho thấy chính quyền Trung Quốc không hài lòng về sự giúp đỡ của 3 người vừa kể trong việc kết tội thượng cấp của họ, theo nhận định của chuyên gia phân tích chính trị Lâm Hòa Lập, cũng là một nhà bỉnh bút có nhiều quen biết lớn.
Ông Lâm nói: “Điều mà cảnh sát Hoa lục muốn là một bằng chứng nào đó để buộc tội ông Quế, người đã bị âm thầm bắt cóc hồi tháng 10. Vì thế, ông Quế là mục tiêu chính trong các cuộc điều tra của họ”.
Là người mang quốc tịch Thụy Điển, ông Quế là chủ nhà xuất bản Mighty Current, và đã mất tích ở Thái Lan vào cuối tháng 10. Sau đó người ta thấy ông lên đài truyền hình nhà nước Trung Quốc thú tội là can dự vào một tai nạn say rượu lái xe vào năm 2004 và yêu cầu Đại sứ quán Thụy Điển tôn trọng quyết định đầu thú của mình.
Nhưng ông Lâm lập luận rằng lý do thực sự sau vụ bắt giữ ông Quế là mối liên hệ chặt chẽ của ông với những người kình địch của ông Tập Cận Bình trong đảng Cộng sản Trung Quốc, mà có phần chắc là nguồn cung cấp thông tin cho cuốn sách sắp xuất bản của ông, nghe nói là sẽ kể chi tiết cuộc đời ông Tập mà chưa ai được biết.
Chuyên gia làm việc ở Hồng Kông này nói tiếp: “Phía Trung Quốc muốn tìm ra ai đã cung cấp những câu chuyện hấp dẫn này về những người tình của ông Tập Cận Bình và các sự kiện khó chịu khác, có thể về những hoạt động làm ăn của gia đình ông Tập...”
Lá thư tay
Cùng với sự mất tích của ông Quế và 3 nhân viên của ông, ông Lữ Ba, chồng của một cổ đông khác trong công ty Mighty Current, cũng biến mất từ một nhà kho ở Hồng Kông vào cuối tháng 12. 3 tuần sau, cảnh sát Trung Quốc xác nhận ông Lữ, cũng mang quốc tịch Anh, đang có mặt tại Trung Quốc hợp tác trong một cuộc điều tra.
Hôm thứ Năm, cảnh sát Quảng Đông đã trình một lá thư viết tay của ông Lữ, nói rằng ông không cần phải gặp cảnh sát Hồng Kông vào lúc này và sẽ liên lạc với chính quyền Hồng Kông nếu cần. Vợ ông Lữ xác nhận tính xác thực của bức thư.
Bất kể tin nhắn của ông Lữ, ông Lương Chấn Anh, hành chánh trưởng quan Hồng Kông nói với các phóng viên hôm nay rằng chính quyền của ông sẽ tiếp tục tìm cách gặp ông Lữ, dường như bị bắt ở Hồng Kông.
Cựu thuộc địa Anh này đã được bảo đảm quyền tự trị trong khuôn khổ “một quốc gia hai hệ thống” sau khi được giao hoàn cho Trung Quốc vào năm 1997.
Hồi đầu tháng 1, ông Lương tuyên bố chính quyền Trung Quốc không có quyền thực thi các luật lệ ở Hồng Kông, điều bị coi là vi phạm trắng trợn đến Bộ Luật Cơ bản.
Nhà lập pháp thân dân chủ của Hồng Kông Albert Ho đã tỏ ý nghi ngờ liêu ông Lữ có được tự do đưa ra quyết định hay không.
Ông cũng cam kết sẽ đưa vụ việc ra trước Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong khi đả kích việc hành chánh trưởng quan đã không bảo vệ được quyền cơ bản cho các công dân của Hồng Kông.
Ông Ho nói: “Chúng tôi tiếc là ông Lương đã không có đủ biện pháp để xoa dịu những nỗi quan ngại của dân chúng Hồng Kông. Lẽ ra ông phải liên hệ trực tiếp với văn phòng cảnh sát Hồng Kông hay thậm chí lên một cấp cao hơn. Tôi nghĩ ông ấy đã không làm tròn nhiệm vụ.
Dư luận phẫn nộ
Sự mất tích của 5 người bán sách đã gây phẫn nộ trong dân chúng Hồng Kông. Một người sử dụng mạng Weibo hôm nay viết rằng, “đừng bao giờ tin vào lời hứa của Trung Quốc rằng không có gì thay đổi ở Hồng Kông trong 50 năm sắp tới”, trong khi một người khác viết “các gọng kìm đã xiết, nền văn minh của thành phố này sẽ trải qua một sự thoái hóa 500 năm”.
Những vụ bắt giữ cũng gây kinh động nhiều người trong giới xuất bản ở thành phố này.
Ông William Nee, một nhà khảo cứu về Trung Quốc của Tổ chức Ân xá Quốc tế nói: “Vậy sẽ là điều hợp lý về mặt sách lược đối với chính phủ lục địa khi giải quyết vụ này theo một cách minh bạch và phù hợp với tiêu chuẩn luật quốc tế”. Ông cũng kêu gọi Trung Quốc xác minh những nghi ngờ xoay quanh việc bắt giữ 5 người và quyền tiếp xúc hợp lý của họ với các thân nhân và luật sư.