Trung Quốc viện trợ quân sự đợt đầu tiên cho Afghanistan

Ngoại trưởng Afghanistan Salahuddin Rabbani (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (phải) bắt tay sau cuộc họp báo chung tại Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh, ngày 26 tháng 1 năm 2016.

Afghanistan nhận đợt viện trợ quân sự đầu tiên của Trung Quốc trong khuôn khổ cam kết của Bắc Kinh cấp viện trợ trị giá hàng triệp đôla để giúp Kabul chống khủng bố.

Chuyến hàng viện trợ đầu tiên được chở bằng máy bay vận tải của Nga sản xuất đã đến Kabul hôm Chủ nhật. Đại sứ Trung Quốc Yao Jing đã trao hàng viện trợ cho Cố vấn An ninh Quốc gia Afghanistan Hanif Atmar.

Chuyến hàng viện trợ này hình như bao gồm các thiết bị hậu cần, phụ tùng xe quân sự, đạn dược và vũ khí dành cho Bộ Quốc phòng và các Lực lượng An ninh Afghanistan (ANDST).

Ông Jing nói Bắc Kinh muốn có quan hệ bình thường giữa hai chính phủ với Afghanistan và với nhân dân Afghanistan, trong đó có hợp tác quân sự.

Ông Atmar từ chối bình luận thêm chi tiết hoặc giá trị của các thiết bị Trung Quốc. Ông nói rằng những vấn đề liên quan đến quân sự như vậy cần phải được giữ bí mật. Ông nói viện trợ này cho thấy quyết tâm chung chống khủng bố mà Afghanistan và Trung Quốc đang đối diện.

Ông Atmar nói chuyến viện trợ kế tiếp sẽ được chuyển đến sau này trong năm theo trông đợi sẽ có các thiết bị quân sự và máy rà quét để giúp cảnh sát Afghanistan phát hiện bom giống như các loại bom tự chế cài trong xe. Các giới chức Afghanistan dự trù sẽ thiết đặt máy rà quét tại bốn điểm vào Kabul.

Bắc Kinh cũng tham gia nhóm Bộ tứ Hợp tác, bao gồm Afghanistan, Pakistan, Mỹ và Trung Quốc, nhắm mục tiêu mang lại hòa bình và chấm dứt xung đột ở Afghanistan. Nhưng nhóm bốn nước này đã không thể khởi động tiến trình hòa đàm giữa chính phủ Afghanistan và phe Taliban.

Các nhà phê bình tin rằng việc Trung Quốc can dự nhiều hơn vào Afghanistan xuất phát từ những lo ngại rằng tình hình bất ổn ở Afghanistan tiếp tục có thể châm ngòi cho tình hình bất ổn tại khu vực Tân Cương ở miền tây của Trung Quốc, nơi người Hồi giáo Uighur đang có những cuộc nổi dậy cấp thấp chống lại sự cai trị của Trung Quốc.