Theo một báo cáo của Lầu Năm Góc, Trung Quốc lần đầu tiên duy trì thường trực ít nhất một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân trên biển.
Bản đánh giá về quân đội Trung Quốc cho biết hạm đội 6 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Tấn của Trung Quốc lâu nay thực hiện các cuộc tuần tiễu "gần như liên tục" từ đảo Hải Nam đi vào Biển Đông.
Phần lưu ý trong báo cáo dài 174 trang được công bố vào cuối tháng 11/2022 cho thấy có những cải thiện quan trọng trong năng lực của Trung Quốc, theo 4 tùy viên quân sự ở khu vực nắm vững các hoạt động hải quân và 5 nhà phân tích an ninh khác.
Christopher Twomey, một học giả về an ninh tại Trường Nghiên cứu sinh Hải quân Hoa Kỳ ở California, nói với tư cách cá nhân: “Mỹ sẽ cần phải điều tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) bám theo chúng (tàu TQ)… như vậy, rõ ràng nhu cầu đối với vũ khí, khí tài của Mỹ sẽ tăng thêm”.
Các cuộc tuần tiễu mới của Trung Quốc ngầm cho thấy rằng họ có những cải thiện về nhiều lĩnh vực, bao gồm hậu cần, chỉ huy và điều khiển, cũng như vũ khí. Các tùy viên quân sự, cựu thủy thủ tàu ngầm và các nhà phân tích an ninh cho rằng các hoạt động đó cũng cho thấy Trung Quốc bắt đầu vận hành các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo giống như cách mà Mỹ, Nga, Anh và Pháp đã làm trong nhiều thập kỷ.
"Các cuộc tuần tiễu răn đe" của họ giúp họ đe dọa về khả năng phản công hạt nhân ngay cả khi các hệ thống và tên lửa trên đất liền bị tiêu diệt. Theo học thuyết hạt nhân cổ điển, điều đó ngăn chặn phía địch tiến hành tấn công trước.
Tướng Anthony Cotton, chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ, phát biểu trong một phiên điều trần trước quốc hội Mỹ hồi tháng 3 rằng các tàu ngầm Trung Quốc hiện được trang bị tên lửa thế hệ thứ ba, JL-3.
Với tầm bắn ước tính hơn 10.000 km và mang theo nhiều đầu đạn, JL-3 lần đầu tiên cho phép Trung Quốc tiếp cận lục địa Mỹ từ vùng biển ven bờ Trung Quốc, báo cáo của Lầu Năm Góc lưu ý.
Hải quân Hoa Kỳ duy trì khoảng hai chục tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân trú đóng trên khắp vùng Thái Bình Dương. Theo thỏa thuận AUKUS, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hoa Kỳ và Anh sẽ được triển khai quanh Tây Úc từ năm 2027.
Những tàu ngầm như vậy là vũ khí cốt lõi để săn tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, được hỗ trợ với các tàu nổi và máy bay giám sát P-8 Poseidon. Hoa Kỳ cũng có các cảm biến dưới đáy biển ở các tuyến đường biển quan trọng để giúp phát hiện tàu ngầm.
Timothy Wright, một nhà phân tích quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, nói rằng lực lượng Mỹ có thể đối phó với tình hình hiện nay, nhưng sẽ phải sử dụng nhiều vũ khí, khí tài hơn trong 10 đến 15 năm tới khi loại tàu ngầm Type-096 khó bị phát hiện hơn của Trung Quốc bắt đầu tuần tiễu.
Ông nói thêm rằng việc Trung Quốc nhanh chóng mở rộng lực lượng hạt nhân đồng nghĩa là các chiến lược gia Hoa Kỳ lần đầu tiên phải đối đầu với hai "đối thủ hạt nhân ngang hàng", đó là Nga và Trung Quốc.
"Điều đó sẽ gây lo ngại cho Hoa Kỳ vì nó sẽ kéo căng hệ thống phòng thủ của Hoa Kỳ, khiến nhiều mục tiêu gặp rủi ro hơn và sẽ cần phải giải quyết bằng cách tăng cường các năng lực về vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường", ông nói.
Với việc trang bị tên lửa mới JL-3, các nhà phân tích dự báo rằng các chiến lược gia Trung Quốc sẽ giữ các tàu ngầm tên lửa đạn đạo của họ ở vùng nước sâu trong Biển Đông - nơi Trung Quốc đã củng cố bằng một loạt căn cứ - thay vì mạo hiểm tuần tra ở Tây Thái Bình Dương.
(Reuters)