Bắc Kinh phản pháo cáo buộc của NATO rằng Trung Quốc thách thức các lợi ích và an ninh của NATO, đồng thời phản đối bất kỳ nỗ lực nào của liên minh quân sự này nhằm mở rộng sự hiện diện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trong một thông cáo với ngôn từ mạnh mẽ được đưa ra trong lúc cuộc họp thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại thủ đô Vilnius của Lithuania đã đi được nửa đường hôm 11/7, NATO nói Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) đã thách thức các lợi ích, an ninh và giá trị của tổ chức này bằng “các tham vọng và chính sách ép buộc”.
“Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sử dụng một loạt các công cụ chính trị, kinh tế và quân sự để tăng cường dấu chân toàn cầu của họ và sức mạnh dự phóng, trong khi không rõ ràng về chiến lược, ý định và việc gầy dựng quân sự”, các nguyên thủ quốc gia NATO nói trong thông cáo.
“Các hoạt động mạng hỗn hợp độc hại của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng như những luận điệu đối đầu và thông tin sai lệch của họ nhắm vào Đồng minh và gây tổn hại cho an ninh của Liên minh.”
Phái bộ Trung Quốc tại châu Âu nói trong một tuyên bố hôm 11/7 rằng nội dung liên quan đến Trung Quốc của thông cáo đã coi thường các sự thật cơ bản, bóp méo quan điểm và chính sách của Trung Quốc, đồng thời cố tình làm mất uy tín của Trung Quốc.
“Chúng tôi kiên quyết phản đối và bác bỏ điều này,” phái bộ nói.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với các phóng viên tại hội nghị thượng đỉnh rằng mặc dù Trung Quốc không phải là “đối thủ” của NATO, nhưng nước này đang ngày càng thách thức trật tự quốc tế dựa trên luật lệ bằng “hành vi cưỡng ép” của mình.
“Trung Quốc đang ngày càng thách thức trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, từ chối lên án cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine, đe dọa Đài Loan và tiến hành xây dựng quân đội đáng kể,” ông nói.
Tuy nhiên, NATO không đề cập đến Đài Loan trong thông cáo của mình.
Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết việc ông Stoltenberg một lần nữa bày tỏ rõ ràng mối quan tâm của mình đối với an ninh ở Eo biển Đài Loan là “rất có ý nghĩa”.
Đài Loan là một thành viên dân chủ, có trách nhiệm của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sẵn sàng hợp tác với các đối tác có cùng chí hướng như Châu Âu và Hoa Kỳ để cùng nhau chống lại sự ép buộc và thách thức từ các chế độ độc tài, Bộ nói thêm.
‘Bành trướng vòi bạch tuộc’
Tham dự hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày còn có một số nhà lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, tham gia lần thứ hai, nhằm mục đích nhắc nhở liên minh quân sự chú ý đến các rủi ro ở Đông Á, trong khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tìm kiếm sự hợp tác an ninh quốc tế sâu rộng hơn trong bối cảnh các mối đe dọa gia tăng từ Triều Tiên và căng thẳng về Trung Quốc.
Vào tháng 5 năm nay, ông Kishida nói Nhật Bản không có kế hoạch trở thành thành viên NATO, mặc dù NATO đang lên kế hoạch thành lập văn phòng ở Tokyo, văn phòng đầu tiên ở châu Á, để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc tham vấn trong khu vực.
Phái đoàn Trung Quốc cho biết Trung Quốc kiên quyết phản đối “sự di chuyển về phía đông của NATO vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương” và cảnh báo bất kỳ hành động nào đe dọa các quyền của Bắc Kinh sẽ bị đáp trả kiên quyết.
“Bất kỳ hành động nào gây nguy hiểm cho các quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc sẽ bị đáp trả kiên quyết,” phái đoàn nói.
Trong thông cáo, NATO cho biết Trung Quốc tìm cách kiểm soát các lĩnh vực công nghệ và công nghiệp then chốt, cơ sở hạ tầng quan trọng, chuỗi cung ứng và vật liệu chiến lược, đồng thời Bắc Kinh cũng sử dụng đòn bẩy kinh tế của mình để tạo ra sự phụ thuộc chiến lược và tăng cường ảnh hưởng.
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc đáp trả, nói trong một bản tin rằng các cuộc chiến tranh và xung đột liên quan đến các quốc gia NATO cho thấy khối này là một “thách thức nghiêm trọng” đối với hòa bình và ổn định toàn cầu.
“Bất chấp tất cả hỗn loạn và xung đột đã gây ra, NATO đang bành trướng vòi của mình tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương với mục đích rõ ràng là kiềm chế Trung Quốc.”