Trung Quốc tăng tốc cưỡng ép đô thị hóa các vùng nông thôn Tây Tạng

Nhà cầm quyền Trung Quốc phá hủy nhà cửa của hàng trăm gia đình tại Khu vực Golok, miên đông Tây Tạng.

Nhà cầm quyền Trung Quốc phá hủy nhà cửa của hàng trăm gia đình tại Khu vực Golok, miên đông Tây Tạng.

Một phúc trình sâu rộng của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW cho biết Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình đô thị hóa cưỡng ép đối với dân làng và người chăn nuôi Tây Tạng, bổ sung vào các phúc trình của nhà nước và phúc trình độc lập về nỗ lực đồng hóa người Tây Tạng thông qua việc kiểm soát ngôn ngữ và văn hóa Phật giáo truyền thống của Tây Tạng.

Vẫn theo phúc trìngh, tất cả người Tây Tạng bị buộc phải di dời, nhà cửa bị phá hủy khi rời đi.

Việc tái định cư phù hợp với kiểu đòi hỏi thường xuyên bạo lực rằng các sắc tộc thiểu số phải sử dụng ngôn ngữ nhà nước là tiếng Quan Thoại và cam kết trung thành với Đảng Cộng sản cầm quyền ở các vùng lãnh thổ phía tây và phía bắc bao gồm hàng triệu người Tây Tạng, người Uyghur Tân Cương, người Mông Cổ và các sắc dân thiểu số khác.

Trung Quốc tuyên bố Tây Tạng là một phần lãnh thổ của họ trong nhiều thế kỷ, mặc dù nước này chỉ thiết lập quyền kiểm soát vững chắc đối với khu vực Himalaya này sau khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền trong bối cảnh nội chiến năm 1949.

“Những chiến thuật cưỡng chế này có thể bắt nguồn từ việc chính quyền cấp cao hơn gây áp lực lên các quan chức địa phương, những người thường mô tả chương trình tái định cư là một chính sách không thể thương lượng, quan trọng về mặt chính trị đến trực tiếp từ thủ đô quốc gia, Bắc Kinh, hoặc từ Lhasa, thủ phủ của khu vực,” HRW cho biết trong phúc trình của mình. “Điều này khiến các quan chức địa phương không có sự linh hoạt trong việc thực hiện ở cấp địa phương và bắt buộc họ phải đạt sự đồng ý 100% từ những người dân làng bị ảnh hưởng để di dời.”

Phúc trình cho biết số liệu thống kê chính thức cho thấy rằng đến cuối năm 2025, hơn 930.000 người dân nông thôn Tây Tạng sẽ được chuyển đến các trung tâm thành thị, nơi họ bị tước đi nguồn thu nhập truyền thống và gặp khó khăn trong việc tìm việc làm. Thủ phủ khu vực Lhasa của Tây Tạng và các thị trấn lớn khác đã thu hút một lượng lớn người di cư từ nhóm sắc tộc Hán chiếm ưu thế ở Trung Quốc, những người thống trị chính trị và kinh tế.

Phúc trình nói hơn 3 triệu trong số hơn 4,5 triệu người Tây Tạng ở khu vực nông thôn đã buộc phải xây nhà và từ bỏ lối sống du mục truyền thống dựa vào chăn nuôi bò và nông nghiệp. Cùng với Khu tự trị Tây Tạng chính thức, người Tây Tạng tạo nên các cộng đồng ở các tỉnh lân cận Tứ Xuyên, Vân Nam và Thanh Hải.

“Những cuộc di dời các cộng đồng nông thôn này làm xói mòn hoặc gây ra thiệt hại lớn cho văn hóa và lối sống của người Tây Tạng, đặc biệt là vì hầu hết các chương trình tái định cư ở Tây Tạng đều chuyển những người nông dân và người chăn nuôi trước đây đến những khu vực nơi họ không thể thực hiện sinh kế trước đây và không có lựa chọn nào khác ngoài tìm các công việc làm công ăn lương trong các ngành phi nông nghiệp.

Trung Quốc luôn bênh vực các chính sách của mình ở Tây Tạng là mang lại sự ổn định và phát triển cho khu vực biên giới có tầm quan trọng chiến lược. Lần cuối cùng khu vực này chứng kiến các cuộc biểu tình chống chính phủ là vào năm 2008, dẫn đến một cuộc đàn áp quân sự quy mô lớn. Người nước ngoài phải xin giấy phép đặc biệt để đến thăm và các nhà báo phần lớn bị cấm, ngoại trừ những người làm việc cho các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Trung Quốc thường xuyên bác bỏ các cáo buộc về vi phạm nhân quyền ở các khu vực Tây Tạng là “những cáo buộc vô căn cứ” nhằm “bôi nhọ” hình ảnh của Trung Quốc. Tháng 8 năm ngoái, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân nói rằng “điều kiện nhân quyền ở Tây Tạng đang ở mức tốt nhất trong lịch sử”.

“Khu vực này từ lâu đã có một nền kinh tế bùng nổ, một xã hội hài hòa và ổn định, cũng như việc bảo vệ và phát huy hiệu quả di sản văn hóa”, ông Uông nói trong cuộc họp báo hàng ngày của Bộ.

Vẫn theo lời ông, “các quyền và tự do của tất cả các nhóm sắc tộc, bao gồm cả quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và quyền tự do sử dụng và phát triển ngôn ngữ nói và chữ viết của các sắc tộc được đảm bảo đầy đủ.”

Trung Quốc, với dân số 1,3 tỷ người, tuyên bố đã xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực, chủ yếu thông qua việc chuyển những ngôi nhà biệt lập và những ngôi làng nhỏ đến những cộng đồng lớn hơn với khả năng tiếp cận tốt hơn về giao thông, điện, y tế và giáo dục. Những tuyên bố đó chưa được kiểm chứng độc lập.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể trong bối cảnh dân số già đi và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng vọt, ngay cả khi các ngành công nghiệp của Trung Quốc như ô tô điện và điện thoại di động đang xây dựng thị phần ở nước ngoài.

HRW nói: “Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nên thực hiện một cuộc điều tra khách quan và độc lập về các vi phạm nhân quyền của chính phủ Trung Quốc ở Tây Tạng, Tân Cương, Hong Kong và trên khắp Trung Quốc, theo khuyến nghị của hơn 50 chuyên gia nhân quyền độc lập của Liên hiệp quốc”.