Trung Quốc hôm 24/10 rút tàu thăm dò Hải Dương 8 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam ngay sau khi có thông tin giàn khoan Hakuryu 5 hoàn thành nhiệm vụ thăm dò gần khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam.
Theo dữ liệu hàng hải của Marine Traffic được Reuters trích dẫn hôm 24/10, tàu Hải Dương 8 đang rời khỏi vùng biển của Việt Nam hướng về phía Trung Quốc với sự hộ tống của hai tàu khác.
Trước đó một ngày, hôm 23/10, các nguồn tin không chính thức cho biết giàn khoan Hakuryu 5 của Nhật mà tập đoàn Rosneft của Nga thuê thăm dò dầu khí ở Lô 06.1 ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam đã hoàn thành các hoạt động và bắt đầu rời khỏi vị trí.
XEM THÊM: Thêm một quan chức Mỹ cáo buộc Trung Quốc ‘quấy rối’ Việt Nam ở Bãi Tư Chính
Trung Quốc đưa tàu Hải Dương 8 vào thăm dò quanh khu vực hoạt động của giàn khoan Hakuryu 5 từ đầu tháng 7 và gây nên căng thẳng nghiêm trọng trong mối quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh.
Đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã nêu vấn đề Biển Đông tại Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh trong khi Tổng bí thư-Nguyễn Phú Trọng vào tuần trước tuyên bố trong một buổi tiếp xúc cử tri ở Hà Nội rằng Việt Nam sẽ “không nhân nhượng” trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, theo truyền thông trong nước.
Nhiều khả năng “Trung Quốc sẽ đưa một giàn khoan dầu vào khu vực mà tàu Hải Dương 8 đã tiến hành các cuộc thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam."TS Hà Hoàng Hợp, IISS
Ngay sau khi ông Trọng lên tiếng một ngày, người phát ngôn Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi Hà Nội đối thoại với Bắc Kinh để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Trong vòng hơn 3 tháng qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần tố cáo tàu Trung Quốc “xâm phạm” vùng biển của Việt Nam trong khi Bắc Kinh luôn khăng khăng rằng tàu Hải Dương 8 luôn hoạt động trong vùng biển hợp pháp của họ.
Cho đến tối ngày 24/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa lên tiếng về hành động rút tàu thăm dò của Trung Quốc.
Công chúng và nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế trong những tháng qua đã kêu gọi chính phủ Hà Nội có hành động pháp lý chống lại Bắc Kinh vì hành động “xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam” như Bộ Ngoại giao đã nhiều lần cáo buộc đối với tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc.
Một cuộc biểu tình của một nhóm nhỏ người dân Hà Nội bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc hồi tháng 8 đã bị công an giải tán.
Không có dấu hiệu nào cho thấy Hà Nội sẽ kiện Bắc Kinh ra tòa quốc tế như các chuyên gia Mỹ từng khuyên, nhưng hồi tháng 9, người phát ngôn BNG Lê Thị Thu Hằng nói rằng các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của mình là sự vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật biển 1982.
XEM THÊM: ‘Mỹ không muốn ExxonMobil bị Trung Quốc hăm dọa’ sau vụ Bãi Tư Chính
Hồi tháng 7, chuyên gia nghiên cứu về hải quân Trung Quốc của Trường Hải chiến Hoa Kỳ, Ryan Martinson, nói với VOA rằng Trung Quốc “quyết tâm ngăn chặn Việt Nam khai thác tài nguyên dưới đáy biển” sau khi Hà Nội “cho phép công ty dầu khí Nga Rosneft thuê giàn khoan dầu của Nhật Hakuryu 5 để khoan thăm dò vùng biển phía Tây của Bãi Tư Chính.”
Dàn khoan Hakuryu 5 ban đầu được dự kiến hoạt động đến ngày 15/9, theo truyền thông trong nước. Tuy nhiên, theo trang NguyenTanDung.org, giàn khoan này đã bắt kết thúc việc thăm dò và đã rời đi hôm 22/10.
TS Hà Hoàng Hợp của Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IISS cũng nói với Reuters rằng Trung Quốc chỉ rút tàu Hải Dương 8 ngay sau khi dàn khoan Hakuryu hoàn thành thăm dò ở Lô 06.1.
Theo nhận định của nhà nghiên cứu này, “Trung Quốc quyết gây áp lực lên Việt Nam để ngừng khai thác và sản xuất dầu khí chung với các đối tác nước ngoài trong khu vực này.”
Tháng trước cũng đã có thông tin cho rằng tập đoàn dầu khí Mỹ ExxonMobil sẽ rời Việt Nam vì sức ép của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó đã phủ nhận thông tin này và cho biết Mỏ Cá Voi Xanh vẫn tiếp tục hoạt động.
Trước đó từ tháng 7/2017 đến tháng 3/2018, Hà Nội được cho là đã phải dừng hai dự án khai thác dầu khí với đối tác Repsol của Tây Ban Nha vì sức ép của Bắc Kinh.
Theo TS Hà Hoàng Hợp, nhiều khả năng “Trung Quốc sẽ đưa một giàn khoan dầu vào khu vực mà tàu Hải Dương 8 đã tiến hành các cuộc thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam” trong những tháng qua.
Cách đây 5 năm, Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, làm căng thẳng tăng cao trong mối quan hệ giữa hai nước và làm dấy lên các cuộc biểu tình ở trong và ngoài Việt Nam.