Trung Quốc ngày thứ Sáu bác bỏ tuyên bố nói họ đang điều hành các "đồn công an" trên đất Mỹ, gọi các địa điểm này là do tình nguyện viên điều hành, sau khi giám đốc Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) cho biết ông "rất lo ngại" về các đồn công an trái phép có liên hệ đến các hoạt động gây ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Safeguard Defenders, một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Châu Âu, công bố một báo cáo vào tháng 9 tiết lộ sự hiện diện của hàng chục "trạm dịch vụ" của công an Trung Quốc tại các thành phố lớn trên thế giới, bao gồm cả New York.
Giám đốc FBI Christopher Wray phát biểu trước một phiên điều trần của Thượng viện ngày thứ Năm rằng việc chính phủ Trung Quốc tìm cách thiết lập sự hiện diện của công an ở Mỹ là điều "đáng phẫn nộ," nói rằng điều này "vi phạm chủ quyền và né tránh các quy trình hợp tác tư pháp và chấp pháp tiêu chuẩn."
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington thừa nhận sự tồn tại của các địa điểm do tình nguyện viên điều hành ở Mỹ, nhưng nói chúng không phải là "đồn công an" hay "trung tâm dịch vụ cảnh sát."
"Họ hỗ trợ công dân Trung Quốc ở nước ngoài cần trợ giúp truy cập nền tảng dịch vụ trực tuyến để gia hạn giấy phép lái xe và tiếp nhận các cuộc kiểm tra thể chất cho mục đích đó," phát ngôn viên Đại sứ quán Liu Pengyu nói trong một email gửi cho Reuters ngày thứ Sáu.
"Họ không phải là nhân viên cảnh sát từ Trung Quốc. Phía Hoa Kỳ nên ngừng thổi phồng vấn đề này một cách vô căn cứ," Liu nói.
Đại sứ quán không hồi đáp ngay lập tức yêu cầu của Reuters cung cấp danh sách các địa điểm này. FBI từ chối bình luận thêm ngoài phát biểu của ông Wray.
Đầu tháng này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nói như vậy về các địa điểm ở Hà Lan sau khi chính phủ Hà Lan ra lệnh đóng cửa trong khi điều tra các hoạt động của họ. Các thành viên của nghị viện Anh cũng đã kêu gọi điều tra các địa điểm tương tự.
Các nghị sĩ Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ, bao gồm Dân biểu Jim Banks, đã yêu cầu chính quyền Biden trả lời về hoạt động của các địa điểm này.
Các nhà hoạt động nhân quyền nói các địa điểm này là sự mở rộng nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gây áp lực buộc một số công dân Trung Quốc hoặc người thân của họ ở nước ngoài phải trở về Trung Quốc để đối mặt với các cáo buộc hình sự, và nói các địa điểm này có liên hệ tới các hoạt động của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Trung Quốc, một cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc bị cáo buộc truyền bá ảnh hưởng và thông tin tuyên truyền ở nước ngoài.
Mark Clifford, chủ tịch của Ủy ban vì Tự do tại Hong Kong Foundation, cho biết các địa điểm như vậy cần phải bị "chặn đứng."
"Bằng cách cho phép ĐCSTQ điều hành các cơ sở kiểu này ở các quốc gia sở tại, các chính phủ quốc tế đồng lõa với các hành động của Bắc Kinh."