Trung Quốc nói đe dọa dùng vũ lực với Đài Loan không nhắm vào phần đông dân chúng

Tổng thống đắc cử Lại Thanh Đức thuộc Đảng Dân tiến (DPP), họp báo tại Đài Bắc ngày 13/1/2024. Trung Quốc coi ông Lại là một kẻ ly khai nguy hiểm.

Tổng thống đắc cử Lại Thanh Đức thuộc Đảng Dân tiến (DPP), họp báo tại Đài Bắc ngày 13/1/2024. Trung Quốc coi ông Lại là một kẻ ly khai nguy hiểm.

Lập trường của Trung Quốc rằng sẽ không từ bỏ sử dụng vũ lực để đặt Đài Loan dưới sự kiểm soát là nhắm vào sự can thiệp từ nước ngoài và một số ít người ly khai nhưng dân Đài Loan cần loại bỏ “thành kiến” chống lại Trung Quốc, chính phủ tuyên bố hôm 17/1.

Đảng Dân tiến (DPP) cầm quyền của Đài Loan, đảng đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hôm 13/1, bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh nhưng đã nhiều lần đề nghị đàm phán dù bị từ chối.

Trung Quốc coi tổng thống đắc cử Lại Thanh Đức là một kẻ ly khai nguy hiểm.

Ông Trần Bân Hoa, phát ngôn viên từ Văn phòng của Trung Quốc phụ trách các vấn đề Đài Loan, nói trong một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh rằng kết quả bầu cử ở Đài Loan không làm thay đổi thực tế rằng hòn đảo này là của Trung Quốc và cuối cùng sẽ được “tái thống nhất”.

Ông Trần nói: “Việc chúng tôi không hứa từ bỏ sử dụng vũ lực hoàn toàn không nhắm vào đồng bào Đài Loan. Chúng tôi đang nhắm mục tiêu vào sự can thiệp từ các thế lực bên ngoài và một số lượng nhỏ những người ly khai đòi độc lập cho Đài Loan cũng như các hoạt động ly khai của họ”.

Trong hơn một năm rưỡi qua, Trung Quốc đã hai lần tổ chức tập trận quy mô lớn quanh Đài Loan và thường xuyên điều động máy bay chiến đấu, tàu chiến vào Eo biển Đài Loan.

Ông Trần nói dư luận chính thống ở Đài Loan muốn hòa bình chứ không phải chiến tranh, muốn giao lưu qua lại chứ không phải là khoảng cách, và muốn “hạ bệ” DPP.

Ông nói: “Nếu DPP không ăn năn và ngày càng đi xa hơn trên con đường độc ác tìm kiếm những hành động khiêu khích ‘độc lập’, điều đó sẽ chỉ đẩy Đài Loan vào tình thế nguy hiểm và gây tổn hại nghiêm trọng cho Đài Loan”.

Ông Trần nói người Đài Loan là “máu thịt của chúng tôi”, nhưng một số người đã bị “đầu độc” bởi những ý tưởng độc lập và có “sự hiểu biết thiên vị” về các mối quan hệ xuyên eo biển và bản sắc dân tộc.

Ông nói thêm: “Chúng tôi muốn duy trì đủ kiên nhẫn và khoan dung, tiếp tục nâng cao sự hiểu biết sâu sắc hơn về đất mẹ của đa số người dân Đài Loan và giảm dần những hiểu lầm và nghi ngờ của họ”.

“Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng đồng bào Đài Loan của chúng tôi có thể vững vàng đứng về phía đúng của lịch sử và là những người Trung Quốc ngay thẳng.”

Như để nhấn mạnh những khác biệt trong cách hiểu đó, ông Trần đã chỉ trích một phóng viên Đài Loan vì đã sử dụng “Bắc Kinh” để chỉ Trung Quốc, nói rằng từ ngữ chính xác là “đại lục”.

Các cuộc thăm dò dư luận ở Đài Loan cho thấy ngày nay một số lượng lớn người dân tự coi mình là người Đài Loan chứ không phải người Trung Quốc và gần như không ủng hộ mô hình tự trị “một quốc gia, hai chế độ” của Trung Quốc nhằm khiến hòn đảo này chấp nhận sự cai trị của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, ông Trần không đề cập đích danh ông Lại, người sẽ nhậm chức vào ngày 20/5 tới, khác với trước khi diễn ra cuộc bầu cử khi mà Văn phòng các Vấn đề Đài Loan liên tục và trực tiếp gọi ông Lại là kẻ ly khai và gây nguy hiểm cho hòa bình.

Trung Quốc nói rằng các cuộc đàm phán chỉ có thể diễn ra với điều kiện Đài Loan công nhận cả hai bên Eo biển Đài Loan là một phần của “một Trung Quốc”, chính phủ do DPP lãnh đạo đã từ chối làm như vậy.