Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 28/12 cho biết rằng tuyên bố chung giữa Bắc Kinh và Hà Nội về việc xây dựng “cộng đồng chia sẻ tương lai” mang “ý nghĩa chiến lược”, theo Reuters.
Người phát ngôn của Bộ này, ông Ngô Khiêm, nói như vậy tại một buổi họp báo khi đề cập tới tuyên bố chung mà Trung Quốc và Việt Nam đưa ra trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Hà Nội giữa tháng này.
Tuyên bố chung, được công bố hôm 13/12, nói rằng hai quốc gia Cộng sản láng giềng nhất trí xây dựng “cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.”
“Cộng đồng chia sẻ tương lai”, còn được Trung Quốc gọi là “cộng đồng chung vận mệnh”, là một khẩu hiệu chính trị được Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh sử dụng để mô tả mục tiêu chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Ông Tập cho biết trong bài xã luận đăng trên tờ Nhân Dân của Việt Nam, ngay trước khi tới Hà Nội, rằng ông đề xuất khái niệm “Cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại” cách đây 10 năm.
Sách Trắng về “Cộng đồng chia sẻ tương lai toàn cầu”, do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố hồi tháng 9 vừa qua, nói rằng đề xuất này của ông Tập nhằm “soi sáng con đường phía trước khi thế giới loay hoay tìm giải pháp” và “thể hiện sự đóng góp của Trung Quốc trong nỗ lực toàn cầu nhằm bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta và tạo ra một tương lai thịnh vượng tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.”
Sách Trắng còn nói rằng “tầm nhìn này ngày càng được củng cố” trong một thập kỷ qua. Trong khi một số nước trong khu vực được cho là đã tham gia cộng đồng này ngay từ đầu nhưng Việt Nam luôn chần chừ vì không muốn quá phụ thuộc vào Trung Quốc, nước mà Việt Nam có tranh chấp chủ quyền, theo các nhà quan sát.
Trước chuyến thăm của ông Tập tới Việt Nam, các lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần nói về việc Bắc Kinh sẵn sàng xây dựng cộng đồng này với Việt Nam. Trong chuyến thăm tới Hà Nội đầu tháng này để chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Tập, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với lãnh đạo ở Hà Nội rằng Trung Quốc và Việt Nam có chung khát vọng và vận mệnh.
Các chuyên gia nói rằng Việt Nam chấp thuận tham gia “cộng đồng chia sẻ tương lai” với Trung Quốc thay cho tầm nhìn “cộng đồng chung vận mệnh” do tính nhạy cảm của ngôn từ và do tâm lý chống Trung Quốc ở trong nước.
Còn Thạc sỹ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông và tranh chấp quốc tế, nói với VOA tuần trước rằng đây là một thỏa hiệp của Việt Nam với Trung Quốc để cân bằng mối quan hệ sau khi nâng cấp hai bậc với Mỹ thành đối tác chiến lược toàn diện.
Sau khi Việt Nam và Trung Quốc thống nhất xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai”, Bộ Ngoại giao Mỹ nói với VOA rằng Hoa Kỳ và Việt Nam cùng “chia sẻ mục đích và tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương an toàn, thịnh vượng và rộng mở.”
Mỹ đã ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam trong việc duy trì trật tự trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế và chống lại những hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trên vùng biển đầy tranh chấp này.
Diễn giải về “Cộng đồng chia sẻ tương lai” với Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng hôm 14/12 cho biết hai bên nhất trí rằng phát triển quan hệ hai nước cần tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế. Bà Hằng còn nói rằng Trung Quốc và Việt Nam thống nhất “tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết các bất đồng thông qua biện pháp hòa bình.” Theo người phát ngôn Việt Nam, đó là “tương lai chung mà hai bên chia sẻ và hướng đến.”
Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 28/12, ông Ngô nói rằng Trung Quốc và Việt Nam sẽ tăng cường trao đổi về nghĩa vụ quân sự và vũ khí, theo Reuters. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc không cho biết thêm chi tiết về những sự trao đổi này.
Bộ Quốc phòng ở Bắc Kinh hôm 13/12 cho biết Trung Quốc và Việt Nam đã nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng. Tuyên bố của Bộ này, đưa ra cùng ngày ông Tập kết thúc chuyến thăm Hà Nội, nói rằng Trung Quốc và Việt Nam “sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác phòng thủ biên giới, tiếp tục thực hiện các cuộc tuần tra chung ở Vịnh Bắc Bộ và các chuyến thăm lẫn nhau của các tàu chiến, đồng thời tăng cường cơ chế hợp tác và trao đổi giữa hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển của hai nước.”