Trung Quốc muốn chuyển gánh nặng Bắc Triều Tiên thành lợi thế

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và giới chức cấp cao của Trung Quốc Lưu Vân Sơn trong lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng Lao động đương quyền tại Bình Nhưỡng, ngày 10/10/2015.

Bang giao cải thiện và ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên có thể phản ánh một sự thay đổi dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, biến chế độ Kim Jong Un từ một gánh nặng gây bất ổn thành một lợi thế chiến lược để chống lại sức mạnh của Hoa Kỳ ở châu Á.

Giáo sư chính trị học Trung Quốc Suh Jin-young tại trường Đại học Triều Tiên ở Seoul nhìn thấy Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình đang tìm cách tự thiết lập mình như một “đại cường” ngang hàng với Hoa Kỳ.

Chính sách đối ngoại quyết đoán hơn của Bắc Kinh đã dẫn đến tình hình căng thẳng gia tăng với Washington ở Biển Đông, nơi mới đây Hải quân Hoa Kỳ đã thách thức việc Bắc Kinh nhận chủ quyền các hòn đảo nhân tạo nằm trên một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới.

Theo giáo sư Suh, sự cạnh tranh ảnh hưởng và sức mạnh ngày càng ráo riết giữa Bắc Kinh và Washington trong khu vực cũng là tâm điểm của việc Trung Quốc mới đây tiếp cận với Bắc Triều Tiên.

“Trong quá trình đối phó với Hoa Kỳ, Chủ tịch Tập bắt đầu thẩm định lại giá trị chiến lược của Bắc Triều Tiên. Vì thế Trung Quốc dồn thêm nỗ lực vào việc bình thường hóa quan hệ với Bắc Triều Tiên.”

Miền Bắc nghèo khó vẫn còn bị nhiều nước trong vùng coi là một gánh nặng kinh tế mà Trung Quốc phải lo và là một láng giềng bất định khó lường có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột lan rộng và thậm chí một cuộc chiến tranh hạt nhân nữa.

Bắc Kinh vẫn còn đồng ý với Washington và Seoul rằng Bình Nhưỡng phải bãi bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của họ.

Nhưng Trung Quốc không có cùng mục tiêu dài hạn giống như Nam Triều Tiên và Washington là thay thế bán đảo bị chia cắt về quân sự bằng một nước Triều Tiên thống nhất, dân chủ, thân Mỹ nằm ngay ở biên giới của họ.

Theo thỏa thuận chung giữa “6 bên” năm 2005, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, và Nhật Bản, Bắc Triều Tiên đã đồng ý hủy bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình để đổi lấy viện trợ kinh tế, bảo đảm an ninh và cải thiện quan hệ ngoại giao.

Cuối cùng Bình Nhưỡng lại bỏ ra khỏi thỏa thuận và tiến hành 3 cuộc thử nghiệm hạt nhân đưa đến việc LHQ áp đặt các biện pháp chế tài và quan hệ trở nên căng thẳng với Trung Quốc.

Mới đây, chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã có hành động hàn gắn bang giao giữa hai bên qua việc gửi một phái đoàn cấp cao đến dự lễ kỷ niệm ngày thành lập đảng cầm quyền của Bắc Triều Tiên. Cũng có tin về phát triển kinh tế mở rộng tại biên giới Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Các giới chức ở Seoul từng tuyên bố ảnh hưởng của Bắc Kinh đã góp phần nào vào sự tự chế bất thường mà Bình Nhưỡng đã bày tỏ kể từ khi đó, hợp tác với Seoul chủ trì các cuộc đoàn tụ gia đình bị phân ly, và không thực hiện lời đe dọa phóng một hỏa tiễn tầm xa hay tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ tư.

Theo giáo sư Suh, về ngắn hạn, Bắc Kinh đang vận dụng ảnh hưởng một cách xây dựng để chia rẽ Seoul với Washington trong lập trường cho rằng Bình Nhưỡng phải đình chỉ chương trình hạt nhân trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán mới. Ông Suh nói tiếp:

“Phi hạt nhân hóa là một mục tiêu có thể đạt được vào lúc kết thúc một tiến trình dài, và tôi nghĩ việc Bắc Triều Tiên công bố mục tiêu trước là điều không thực tiễn.”

Bắc Kinh cũng bớt quan ngại hơn về những cáo buộc vi phạm nhân quyền tràn lan của chế độ gia đình trị Kim. Trung Quốc tiếp tục ngăn chặn một nghị quyết của LHQ tại Hội đồng Bảo an nhằm đưa Bình Nhưỡng ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế về những tội ác chống nhân loại dựa vào một báo cáo ghi nhận một mạng lưới nhà tù chính trị ở Bắc Triều Tiên và những hành vi tàn ác như giết người, buộc làm nô lệ, tra tấn, cưỡng hiếp và cưỡng bách phá thai.

Các giới chức Bình Nhưỡng cũng chỉ trích lập trường hạt nhân của Hoa Kỳ chống lại Bắc Triều Tiên là đạo đức giả trong bối cảnh kho dự trữ hạt nhân khổng lồ của quân đội Mỹ và hơn 28.000 quân nhân Hoa Kỳ trú đóng ở Nam Triều Tiên.

Tuy nhiên, đã có những báo cáo mới đây về hoạt động tại một địa điểm thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên và những dấu hiệu cho thấy Bắc Triều Tiên đang xúc tiến việc khai triển các phi đạn tầm xa có thể phóng tới lục địa Hoa Kỳ và thu nhỏ các đầu đạn hạt nhân để gắn vào một phi đạn.

Một vụ phóng phi đạn, thử nghiệm hạt nhân hay một hành vi khiêu khích nào khác của Bắc Triều Tiên sẽ gây phương hại cho việc giao tiếp hiện nay của ông Tập Cận Bình và có thể sắp xếp lại đưa Bắc Kinh đến gần Washington hơn về một chính sách kiềm chế Bắc Triều Tiên.