Trung Quốc đầu tháng này mở cửa biên giới trở lại sau 3 năm thực hiện chính sách “Zero COVID” được xem là không thành công khi gây ra các cuộc biểu tình trong dân chúng. Việc mở cửa này diễn ra vào lúc COVID-19 bùng phát mạnh trở lại ở Trung Quốc khiến nhiều nước phương Tây áp đặt các biện pháp chặt chẽ đối với người nhập cảnh từ quốc gia có đông dân nhất thế giới.
Việt Nam, nước có khoảng 1.400km đường biên giới với Trung Quốc không đưa ra ý kiến đánh giá tình hình dịch sau khi Trung Quốc tuyên bố mở cửa trở lại. Nhưng các cửa khẩu của Việt Nam với Trung Quốc cũng đã được mở lại hôm 8/1 và khách du lịch Trung Quốc cũng đã đến Việt Nam qua đường bộ.
Tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai của Việt Nam, hàng chục khách du lịch từ Hà Khẩu của Trung Quốc đã nhập cảnh qua cửa khẩu này sáng ngày 8/1. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, các công dân chỉ cần xuất trình hộ chiếu hoặc sổ thông hành và sau khoảng hai phút làm thủ tục, họ được phép cho xuất nhập cảnh.
Còn ở cửa khẩu Hữu Nghị của Lạng Sơn, người dân và những người làm ăn buôn bán giữa Trung Quốc và Việt Nam đã bắt đầu giao thương trở lại như bình thường từ 8/1, theo chị Nguyễn Lệ Thủy, một người kinh doanh hoa quả qua biên giới ở Lạng Sơn, cho VOA biết.
Cùng lúc này, biến thể phụ của biến chủng Omicron được xem là có khả năng chống miễn dịch đang lan nhanh ở hơn 70 quốc gia trên thế giới và vừa mới xâm nhập vào Việt Nam. Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ở quốc gia Đông Nam Á đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể XBB tại TPHCM và tỉnh Tây Ninh.
‘Nguy cơ bùng dịch’
Với việc Trung Quốc mở cửa trở lại trong bối cảnh này, một người dân Việt Nam sống ở TPHCM cho rằng “đáng lo ngại” khi khách du lịch từ nước này “bắt đầu tràn qua Việt Nam.”
“Đợt COVID-19 đầu tiên xuất hiện trên thế giới bắt đầu từ Vũ Hán và trước đó… có một làn sóng du lịch lớn của người Vũ Hán đi khắp thế giới và sau đó nó để lại một dịch COVID-19 khủng khiếp nhất trong lịch sử,” nhà văn Nguyễn Viện, đang sinh sống ở TPHCM, nói với VOA. “Trung Quốc, sau 3 năm đóng cửa và giờ đây mở cửa lại thì tôi nghĩ đây là một tình trạng rất đáng lo ngại.”
Chính phủ Trung Quốc đã ngừng đưa thông tin về các ca tử vong từ COVID trong khi báo chí phương Tây gần đây đưa ra nhiều hình ảnh về những nhà tang lễ bị quá tải và các bệnh viện chật cứng người bệnh cao tuổi đeo khẩu trang sau khi chính quyền nới lỏng hạn chế vì đại dịch.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi đầu tháng này nói rằng dữ liệu chính thức của Trung Quốc về virus là không đầy đủ. Trước lo ngại đó, Mỹ và hàng chục quốc gia phương Tây và cả châu Á, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc, đã yêu cầu du khách Trung Quốc phải có kết quả xét nghiệm COVID trước khi lên máy bay du hành tới đất nước của họ.
Dự đoán của Afirnity, công ty phân tích dữ liệu dự đoán về y tế có trụ sở tại Anh Quốc, cho rằng Trung Quốc đang đối mặt với đỉnh điểm số ca nhiễm COVID mới đầu tiên vào ngày 13/1 và sẽ ghi nhận 3,7 triệu ca trong một ngày.
Theo ông Viện, việc chính quyền Trung Quốc không minh bạch về mức độ bùng phát của dịch bệnh ở nước này trong khi chính quyền Việt Nam thiếu sự quyết liệt cũng khiến ông lo ngại. Ông Viện nói ông chưa thấy chính quyền đưa ra các biện pháp cụ thể nào để kiểm soát việc người Trung Quốc sẽ vào Việt Nam trong thời gian tới.
Không như nhiều nước khác, Việt Nam cho đến nay chưa đặt ra quy định là người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam phải có kết quả xét nghiệp âm tính. Bộ Y tế Việt Nam hôm 11/1 gửi công văn khẩn tới các chính quyền tỉnh và cơ quan y tế liên quan để yêu cầu tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại các cửa khẩu nhằm phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19. Điều này, theo Bộ Y tế cho biết, là để đối phó với nguy cơ bùng phát các làn sóng COVID do biến chủng mới, đặc biệt khi dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đang đến ở Việt Nam khi nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao và thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan.
‘Dân buôn mừng’
Trong khi những người dân thường lo ngại về một làn sóng dịch mới có thể lan đến Việt Nam khi người dân Trung Quốc được tự do đi lại và du lịch thì những người dân buôn bán ở các cửa khẩu lại vui mừng trước việc giao thương với Trung Quốc được trở lại bình thường.
“(Chúng tôi) đón nhận (tin Trung Quốc mở cửa) với một tinh thần vui vẻ, ai cũng vui mừng,” chị Thủy, người tự gọi mình là “dân buôn” thường lấy thanh long từ các đầu mối ở TPHCM sang bán ở Trung Quốc, nói. “Dân buôn mong chờ từng ngày và khi mở cửa thế này là cả một sự may mắn (đối với chúng tôi). Tất cả mọi cái mình phụ thuộc vào Trung Quốc. Trung Quốc đóng cửa là mình chết theo. Dân (họ) không kiếm ăn được mình cũng chết theo.”
Chị Thủy cho biết những người buôn bán với Trung Quốc ở Lạng Sơn như chị “sống ngắc ngoải” trong những năm qua vì đại dịch khi Trung Quốc đóng cửa biên giới. Chị cho biết trước khi có đại dịch, một người bán buôn nhỏ như chị kiếm khoảng 100-200 triệu một tháng nhưng giờ chỉ mong kiếm được con số này trong một năm. Theo chị, có những dân buôn đã phá sản và những người lao động mất việc phải về quê vì không sang Trung Quốc làm ăn được.
Tuy nhiên, mặc dù giao thương bình thường trở lại ở cửa khẩu Hữu Nghị từ ngày 8/1 nhưng chị Thủy cho biết chị vẫn đang thuê người Trung Quốc đưa và bán hàng cho chị vì chị chưa dám sang Trung Quốc do tình hình dịch bệnh ở nước này mà chị cho là còn phức tạp.
Ngoài những người buôn bán phụ thuộc vào Trung Quốc như chị Thủy, những người kinh doanh du lịch của Việt Nam, nơi có lượng khách lớn nhất đến từ Trung Quốc, cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi Trung Quốc đóng cửa.
“Vì việc thiếu vắng lượng khách Nga (vì chiến sự Ukraine) và Trung Quốc, các khách sạn cũng như ngành du lịch ở những khu vực và người Trung Quốc thường tới bi thảm như thế nào và có lẽ nhiều người đều thấy một cách rõ ràng qua hàng loạt các khách sạn đóng cửa,” ông Viện, người vừa có chuyến thăm Nha Trang, nơi có nhiều khách du lịch Trung Quốc tới trước đây, nói. “Thiệt hại là rất rõ và tôi nghĩ để du khách Trung Quốc vào Việt Nam vẫn là điều cần thiết nhưng vấn đề là chúng ta kiểm soát nó như thế nào.”
Có nhiều người dùng mạng xã hội đã lên tiếng kêu gọi lãnh đạo Việt Nam làm theo các nước phương Tây là xét nghiệm PCR đối với khách đến từ Trung Quốc hay thậm chí đóng cửa biên giới với nước này.
Giới chức tỉnh giáp biên Lạng Sơn hôm 9/1 đã được Bộ Y tế Việt Nam yêu cầu xét nghiệm nhanh COVID-19 đối với dòng người về và đến từ Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị. Mục đích của việc này, theo quan chức Bộ Y tế, là để truy lùng các biến chủng mới dễ lây lan nhằm ngăn chúng xâm nhập vào Việt Nam. Tỉnh Lạng Sơn cũng được yêu cầu tăng cường phòng chống dịch trong dịp Tết và chuẩn bị sẵn sàng khi số ca mắc tăng vọt.
Nhưng theo đánh giá của các chuyên gia ở Việt Nam, việc Trung Quốc mở cửa biên giới có thể khiến nhiều ca nhiễm nhập cảnh vào Việt Nam nhưng quốc gia Đông Nam Á “khó bùng dịch trở lại” do đã có miễn dịch cộng đồng và tỷ lệ tiêm vaccine cao. Ông Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế Công cộng Việt Nam, được VnExpress trích lời nói rằng không nên vì Trung Quốc mở cửa mà Việt Nam áp dụng biện pháp cấm hay xét nghiệm người nhập cảnh.
Trước việc nhiều nước phương Tây và cả châu Á áp dụng các biện pháp kiềm chế COVID đối với người nhập cảnh từ Trung Quốc, Bắc Kinh trong những ngày gần đây đã bắt đầu đưa ra biện pháp “trả đũa” bằng cách áp dụng các biện pháp tương tự cho công dân từ những nước đó và, gần đây nhất, ngưng cấp thị thực ngắn hạn ở Hàn Quốc.
Ông Viện nói rằng ông ủng hộ các biện pháp “quyết liệt” như nhiều nước đang làm để ngăn chặn một làn sóng nhiễm bệnh khả dĩ từ Trung Quốc.
“Đây là vấn đề sống còn của người dân và nó không chỉ sống còn đối với người dân về vấn đề sức khỏe mà nó còn sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế quốc gia,” ông Viện nói và cho biết rằng các đợt bùng phát dịch trong 3 năm qua không chỉ để lại hàng chục nghìn người chết, kinh tế suy sụp mà còn gây lo sợ, hoang mang trong người dân và để lại những bi kịch gia đình cho đến nay.
“Tôi nghĩ rằng có thể những biện pháp đó gây mất lòng đối với chính phủ Trung Quốc nhưng nếu vì một lý do nào đó mà chúng ta nhượng bộ trong chuyện này thì nguy hại đó sẽ rất khó lường,” ông Viện nói.
Trong khi đó, chị Thủy cho rằng “dân buôn” như chị chỉ mong sẽ không có việc đóng cửa biên giới trở lại bởi những người như chị sẽ “chết vì đói trước khi chết vì dịch bệnh.”