Truyền thông Trung Quốc loan tin giàn khoan lớn nhất của Bắc Kinh đã bắt đầu hoạt động tại Biển Đông.
Theo Tân Hoa xã, ngày 9/5, giàn khoan này đã khởi sự khoan tìm dầu khí tới độ sâu 1500 mét tại khu vực cách Hong Kong chừng 320 cây số về hướng Đông Nam.
Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC), đơn vị vận hành giàn khoan, mô tả đây là một bước quan trọng đối với ngành công nghiệp dầu khí của Trung Quốc vì trước nay các hoạt động khai thác và sản xuất dầu khí của họ giới hạn ở độ sâu chừng 300 mét.
Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào dầu nhập khẩu. Thời gian gần đây, Bắc Kinh càng lúc càng tỏ ra mạnh mẽ trong việc dành chủ quyền tại Biển Đông, nơi được cho là có trữ lượng dầu khí dồi dào.
Khu vực hoạt động của giàn khoan vừa kể dường như là nơi không có tranh chấp, nhưng tin này được đưa ra giữa lúc căng thẳng về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines chưa có dấu hiệu lắng dịu.
Ngày 8/5 Tập đoàn dầu khí Philex của Philippines loan báo đã thảo luận về khả năng có thể hợp tác với Tổng công ty CNOOC của Trung Quốc nhằm phát triển dầu khí trên Biển Đông, một thỏa thuận có thể giúp xoa dịu căng thẳng giữa hai nước trong vụ đối đầu ở bãi cạn Scarborough.
Trong khi đó, Bắc Kinh cảnh cáo Manila rằng cuộc đụng độ trên hòn đảo mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham ở Biển Đông có thể sẽ căng thẳng hơn và rằng Trung Quốc đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để đối phó với điều mà họ gọi là khả năng Philippines sẽ khuếch trương vụ mâu thuẫn này.
Cuộc đối đầu giữa đôi bên khởi sự từ đầu tháng 4 tại bãi cạn Scarborough vẫn tiếp diễn sau khi hải quân Philippines định bắt giữ các tàu cá Trung Quốc hoạt động trong vùng biển mà Manila nói thuộc chủ quyền của mình, nhưng các tàu hải giám của Trung Quốc đã tới ngăn chặn.