TQ kêu gọi Malaysia giải quyết quan ngại bằng đàm phán

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad lắng nghe trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP ở Putrajaya, Malaysia, ngày 13 tháng 8, 2018.

Trung Quốc hôm thứ Ba nói Malaysia nên giải quyết bất kì vấn đề nào với các dự án cơ sở hạ tầng nhiều tỉ đôla do Trung Quốc tài trợ thông qua đàm phán, một ngày sau khi nhà lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á này nói với AP rằng chính phủ của ông muốn hủy bỏ những thỏa thuận đó.

Bộ ngoại giao ở Bắc Kinh bênh vực các dự án của Trung Quốc ở Malaysia, nói rằng những thỏa thuận như vậy đã mang lại lợi ích hữu hình cho cả hai nước.

"Bất kì vấn đề nào nảy sinh trong quá trình hợp tác nên được xử lí đúng mực thông qua đàm phán thân thiện," Bộ nói trong thông cáo được fax cho AP.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nói ông muốn duy trì mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc và hoan nghênh đầu tư của nước này, miễn là các dự án đó có lợi cho Malaysia. Nhưng ông đã đưa ra lập trường cứng rắn nhất tới giờ đối với các đường ống dẫn năng lượng do Trung Quốc hậu thuẫn và một dự án đường sắt dọc theo bờ biển phía đông bán đảo của Malaysia mà người tiền nhiệm Najib Razak đã thỏa thuận.

Các dự án này là một phần trong kế hoạch Vành đai và Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để xây dựng các hải cảng, tuyến đường sắt và các cơ sở hạ tầng khác phục vụ cho thương mại khắp Châu Á, thường được xây cất bởi các nhà thầu Trung Quốc và được tài trợ bằng các khoản cho vay từ các ngân hàng nhà nước của Trung Quốc. Các dự án Vành đai và Con đường ở Thái Lan, Sri Lanka và các nước khác đã bị phàn nán là quá tốn kém, cung cấp quá ít công ăn việc làm cho các công ty địa phương hoặc có thể tạo điều kiện cho tình trạng tham ô và nhũng nhiễu khác.

Chính phủ mới của Malaysia đã đình chỉ thi công các dự án này và kêu gọi cắt giảm mạnh chi phí đang tăng cao, hiện ước tính là hơn 22 tỉ đôla. Một phần số tiền đó đã được trả và có thể lấy lại.

Trong một cuộc phỏng vấn với AP hôm thứ Hai, ông Mahathir cũng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng việc tàu thuyền di chuyển tự do khắp Biển Đông và nhắc lại lời kêu gọi của ông không để cho tàu chiến nào đóng ở đó.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh "luôn ủng hộ quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực Biển Đông theo luật pháp quốc tế."

Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á bao gồm Malaysia có những tuyên bố chủ quyền cạnh tranh đối với các đảo và bãi đá ở Biển Đông - cùng với các ngư trường phong phú và các mỏ nhiên liệu hóa thạch tiềm năng xung quanh chúng.