Trung Quốc mô tả cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ở bang Florida hồi tuần trước là một “thành công lớn”. Bài xã luận đăng trên tờ Hoàn cầu Thời báo hôm thứ Hai nói rằng sau một thời gian bất định, hai cường quốc giờ “rõ ràng là đang trên con đường xây dựng hướng tới phát triển mối quan hệ hợp tác song phương”. Bài xã luận nói cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều không thể trả cái giá đắt nếu hai bên từ bỏ các phương tiện để hợp tác. Thông tín viên Victor Beattie của VOA có bài tường trình chi tiết sau đây:
Dù bị phủ bóng bởi cuộc tấn công bằng phi đạn nhắm vào một căn cứ không quân Syria, hai ngày thảo luận tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago cũng tập trung vào cán cân thương mại mất cân bằng giữa hai nước và mối đe doạ hạt nhân từ Bắc Hàn.
Phát biểu trên chương trình truyền hình ABC’s This Week, Ngoại Trưởng Tillerson nói hai nhà lãnh đạo đã có các cuộc thảo luận sâu rộng về “tình hình nghiêm trọng tại Bắc Hàn.”
Ông Tillerson nói:
“Hai ông đã gặp nhau tay đôi khá lâu để thảo luận vấn đề Bắc Hàn, hai nhà lãnh đạo đề cập tới một loạt sự lựa chọn khác nhau. Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ sự đồng tình của ông rằng tình hình đã leo thang tới một mức nghiêm trọng mới, và bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ để thuyết phục chế độ tại Bình nhưỡng thay đổi quan điểm về nhu cầu tương lai của họ phải có các vũ khí loại này. Trung Quốc đã nhiều lần nhắc đến lập trường của họ và tái khẳng định điều đó với chúng tôi ở Mar-a-Lago rằng chính sách của Trung Quốc vẫn không thay đổi, đó là một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân.”
Ông Tillerson miêu tả các cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo là “rất thẳng thắn và cởi mở.” Ông nói hai ông Trump và Tập đã đồng ý cùng nhau làm việc để nới rộng các phạm vi hợp tác trong khi xử lý các khác biệt quan điểm dựa trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau.
Chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc Dali Yang thuộc Đại học Chicago nói với Thông tín viên Beattie của Đài VOA rằng đây là cuộc gặp quan trọng nhất với một nhà lãnh đạo thế giới từ khi ông Trump lên nhậm chức hồi tháng Giêng 2017, và phần lớn là do tác động của các quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông Dali Yang nói:
“Hai nước đã đồng ý thiết lập một cuộc đối thoại sâu rộng trong 4 lĩnh vực chính, đặt quan hệ Mỹ-Trung trên một căn bản toàn diện hơn hướng tới phía trước. Theo tôi thì đó là dấu hiệu cho thấy là bất chấp những lời lẽ cường điệu trong chiến dịch tranh cử và ngay cả những phát biểu trong những ngày đầu của chính quyền Tổng thống Trump, hai bên đã sằn sàng sắn tay lên làm việc để đặt mối quan hệ này trên căn bản các định chế vững chắc hơn. Ngoài ra, khung cảnh của cuộc họp thượng đỉnh cũng rất quan trọng, nhấn mạnh tới tình hữu nghị. Tôi nghĩ rằng hai bên sẽ cật lực làm việc để ít nhất là giải quyết một số vấn đề để có thể hướng tới phía trước. Cho nên theo tôi đây là một cuộc gặp gỡ tích cực, đã giúp hai bên lánh xa những lời lẽ cường điệu mà chúng ta đã chứng kiến trong thời gian qua.”
Ông Yang nói ông dự kiến hai bên sẽ đi đến một hình thức thoả thuận để hạn chế xuất khẩu tương tự như thoả thuận thương mại mà Nhật Bản đã đã dồng ý trong những năm 1980.
Về vấn đề Bắc Hàn, chuyên gia này nói ông nhận thấy Trung Quốc tỏ ra thông cảm hơn với Hoa Kỳ về những quan ngại liên quan tới chương trình hạt nhân và khả năng hạt nhân của Bình Nhưỡng, so với những dấu hiệu từ các tài liệu của cuộc họp thượng đỉnh.
Ông nói hai bên đã tái khẳng dịnh lập trường về Biển Đông, và ông ghi nhận rằng những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đã có vẻ tự kiềm chế hơn từ sau phán quyết năm 2016 của Toà án trọng tài Liên Hiệp Quốc, cho rằng đa số các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong Biển Đông là bất hợp pháp.