Trung Quốc chỉ trích một hiệp ước quốc phòng ký kết hôm 11/1 giữa Anh và Nhật có thể cho phép quân đội hai nước triển khai trên lãnh thổ của nhau. Cả London và Tokyo đều mô tả Trung Quốc là một “thách thức” ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
“Châu Á-Thái Bình Dương là nơi tạo nhịp độ cho hòa bình và phát triển, không phải là sân đấu cho các trò chơi địa chính trị. Trung Quốc là một đối tác hợp tác cho tất cả các nước chứ không phải là một thách thức”, ông Uông Văn Bân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói với các phóng viên ở Bắc Kinh.
“Hợp tác quốc phòng giữa các quốc gia có liên quan phải có lợi cho việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tin tưởng và hợp tác giữa các quốc gia và không nên tạo ra kẻ thù tưởng tượng hoặc đưa tư duy lỗi thời về đối đầu khối vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương,” ông Uông nói.
Hiệp ước hỗ tương
Thỏa thuận quốc phòng được ký bởi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Anh Rishi Sunak tại Tháp Luân Đôn, một pháo đài thời trung cổ, nơi lưu giữ những viên ngọc quý. Hai nhà lãnh đạo đã được cho xem một bộ áo giáp của các võ sĩ đạo Nhật Bản được Sứ quân Tokugawa tặng cho Vua James của Anh vào năm 1613 để đánh dấu hiệp định thương mại đầu tiên giữa Anh và Nhật Bản.
Hiệp ước này có tên chính thức là Thỏa thuận Tiếp cận Hỗ tương và đã được thống nhất về nguyên tắc vào tháng 5 năm ngoái. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản ký một thỏa thuận như vậy với một đồng minh châu Âu. Hàng ngàn lính Mỹ đang đồn trú tại Nhật Bản như một phần của Hiệp ước An ninh Hoa Kỳ-Nhật Bản.
Trong một tuyên bố, văn phòng của Thủ tướng Anh nói, “Trong thế giới ngày càng cạnh tranh này, điều quan trọng hơn bao giờ hết là các xã hội dân chủ tiếp tục kề vai sát cánh khi chúng ta vượt qua những thách thức toàn cầu chưa từng có trong thời đại của chúng ta.”
Máy bay phản lực chiến đấu
Hai nước cũng đồng ý hợp tác cùng với Ý trong việc phát triển một loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu mới. Công ty BAE Systems của Anh đã làm việc trên một nguyên mẫu được gọi là Tempest. Đây sẽ là chương trình hợp tác quốc phòng Nhật Bản-châu Âu lớn nhất từng được thực hiện.
Tập trận chung
Nhà phân tích Jonathan Eyal thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh cho biết, Nhật Bản đang tìm cách củng cố các mối quan hệ quốc phòng trước cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và sự bành trướng quân sự của Trung Quốc.
“Việc các lực lượng đặc biệt [của Anh] đang huấn luyện trên lãnh thổ Nhật Bản là một bí mật hiện mọi người đã biết. Trên thực tế, quân đội hai nước đã tiến hành huấn luyện trong nhiều năm nay. Điều này sẽ dễ thực hiện hơn ở Nhật Bản vì khung pháp lý sẽ được áp dụng,” ông Eyal nói với VOA.
“Có mọi ý định giúp đỡ người Nhật về mặt huấn luyện. Và yếu tố then chốt là rèn luyện khả năng phản ứng nhanh. Nỗi sợ hãi của Nhật Bản là họ có thể phải đối mặt với một sự việc đã rồi, chẳng hạn như việc Trung Quốc chiếm giữ một số hòn đảo không có người ở của Nhật Bản, tại thời điểm mà người Nhật hiện không thể đáp trả thỏa đáng,” ông Eyal nói thêm.
Nghiêng về Châu Á-Thái Bình Dương
Đối với Anh, hiệp ước quốc phòng vừa kể là một phần của sự nghiêng về địa chính trị đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
“Ảnh hưởng duy nhất mà Anh có thể có - đối với những gì đang trở thành tâm điểm của các mối quan ngại về an ninh thế giới - là thông qua một hệ thống liên minh. Có một quan điểm ở London rằng người châu Âu không thể tiếp tục yêu cầu sự bảo vệ của Hoa Kỳ ở châu Âu mà không giúp Hoa Kỳ đảm bảo an ninh ở châu Á,” ông Eyal nói với VOA.
Hai ông Sunak và Kishida cũng thảo luận về việc Anh tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, một thỏa thuận thương mại được 11 quốc gia ký kết. Anh đang tìm kiếm các hiệp định thương mại mới sau khi rời khỏi Liên hiệp châu Âu.
An ninh Mỹ-Nhật
Thủ tướng Nhật Bản đang thăm các đồng minh châu Âu và Bắc Mỹ thuộc Khối G7, bao gồm Pháp, Ý, Canada và Hoa Kỳ. Nhật Bản hiện đang giữ chức chủ tịch G7.