Tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ nhất, vừa diễn ra tại trên đảo Hải Nam, Trung Quốc, hôm 23/3 giữa 6 nước chia sẻ sông Mekong gồm Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố nước ông sẽ cung cấp các khoản cho vay và tín dụng để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước dọc theo sông Mekong.
Thủ tướng Trung Quốc nói Bắc Kinh sẽ cung cấp các khoản vay ưu đãi khoảng 1,5 tỷ đôla và các khoản tín dụng lên đến 10 tỷ đôla để tài trợ cho cơ sở hạ tầng và cải thiện kết nối ở cả 6 nước ven sông Mekong.
Tuyên bố của Trung Quốc dường như chưa đủ để làm thay đổi quan điểm của những người cho rằng việc Trung Quốc xây đập chặn dòng Mekong ở đầu nguồn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người ở cuối nguồn.
Một nhóm có tên Mạng lưới người Thái ở 8 tỉnh ven sông Mekong hôm 23/3 kêu gọi Trung Quốc xin lỗi những người bị thiệt hại bởi các con đập của Trung Quốc và bồi thường cho những mất mát của họ vị hệ sinh thái của con sông bị thay đổi.
Nhóm cũng kêu gọi Trung Quốc và các nước lưu vực sông Mekong thừa nhận rằng các con đập của Trung Quốc đã gây ra nhiều vấn đề và thiết lập một cơ chế mới, có sự tham gia của công chúng, để quản lý sông Mekong.
Tại một cuộc họp báo ở Bangkok, ông Montree Chantawong thuộc Quỹ Khôi phục Sinh thái nói rằng Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Mekong-Lan Thương chỉ là một diễn đàn kinh tế và đề nghị chính phủ các nước lưu vực sông Mekong phải thực sự quan tâm đến những vấn đề lâu dài mà các con đập của Trung Quốc gây ra cho nhân dân sinh sống xuôi theo dòng Mekong.
Ông nói: “Chúng tôi cũng muốn thúc giục Trung Quốc giảm thiểu các tác động từ các đập của họ, xin lỗi về hành động của họ làm thay đổi hệ sinh thái con sông, và bồi thường cho những người bị ảnh hưởng bởi các con đập của Trung Quốc trong hơn 20 năm”.
Jirasak Inthayot, điều phối viên của Trường Kiến thức Địa phương Chiang Kong Mekong nói sự hợp tác trong khuôn khổ Ủy hội Sông Mekong (MRC) hầu như không có hiệu quả để đảm bảo việc quản lý hợp lý con sông vì nó thiếu sự tham gia của công chúng. Jirasak nói người dân đã chịu tác động từ các con đập trong thời gian dài nhưng MRC đã không bảo vệ họ. Hơn nữa, trong số các đại diện từ các nước chung dòng Mekong tham gia vào MRC, có những quan chức không quan tâm đến lợi ích của người dân. MRC cũng không có cơ chế cho phép công chúng được tham gia.
Khi Trung Quốc bắt đầu xây đập chặn dòng Mekong và các phụ lưu thượng nguồn vào đầu những năm 1990, các nhà khoa học đã dự báo về hạn hán mà người ta đang chứng kiến hiện nay. Có một số nghiên cứu khoa học chỉ ra mối liên hệ giữa việc phù sa bị chặn lại với lượng lớn tại các con đập thượng nguồn với nạn hạn hán ở các đồng bằng lớn của châu Á.
Lượng nước ngọt suy giảm của các nhánh sông chảy ra biển cũng làm tăng xâm nhập mặn ở các cửa sông và các vựa lúa, gây nguy cơ cho các loài sống trong nước ngọt và đời sống của các nông dân trồng lúa.
Theo Nationmultimedia, The Diplomat.
Your browser doesn’t support HTML5