Trung Quốc khẳng định chính sách chào đón và thu hút đầu tư nước ngoài của họ vẫn không thay đổi, đáp lại những lo ngại rằng đầu tư nước ngoài của những công ty châu Âu đang trở nên khó khăn hơn ở Trung Quốc.
Bộ trưởng Kinh tế Đức kiêm Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel viết trong một cột báo của tờ Welt am Sonntag hôm thứ Bảy rằng Trung Quốc đang mua trọn những công nghệ quan trọng về mặt chiến lược ở Đức trong khi không cho công ty nước ngoài thâu tóm những công ty của chính mình bằng “những quy định mang tính kỳ thị.”
Ông Gabriel hối thúc Liên minh châu Âu bảo đảm một sân chơi công bằng và thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Tân Hoa Xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, trong cuộc họp báo thường nhật hôm 31/10, nhấn mạnh rằng Trung Quốc và châu Âu đang ở trong những giai đoạn phát triển kinh tế khác nhau và sử dụng những mô hình quản lý khác nhau.
Lưu ý rằng chính phủ Trung Quốc vẫn nhất quán theo đuổi khai mở nền kinh tế, bà Hoa nói rằng chính sách chào đón và thu hút đầu tư nước ngoài vẫn không thay đổi.
"Trung Quốc sẵn lòng kiến tạo một môi trường đầu tư công bằng và minh bạch cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, bao gồm các nhà đầu tư từ Đức," bà Hoa nói.
Bà cho biết thêm những doanh nghiệp Trung Quốc được khuyến khích đầu tư nước ngoài phù hợp với những nguyên tắc thị trường, luật pháp nước sở tại và những chuẩn mực quốc tế vì lợi ích chung.
Những công ty của Trung Quốc lâu nay vẫn đang lùng sục khắp thế giới để mua công nghệ, thương hiệu, và những tập đoàn đa quốc gia. Xu hướng này đã tăng đáng kể trong năm nay.
Báo Financial Times cho biết trị giá những vụ thâu tóm ở nước ngoài của Trung Quốc trong chín tháng đầu năm nay đạt tổng cộng 191 tỉ đôla, gần gấp đôi đầu tư nước ngoài đổ vào Trung Quốc trong cùng kỳ.
Dù những vụ thâu tóm này nhìn chung được các nước tiếp nhận chào đón vì chúng tạo ra công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế, song những chỉ dấu cho thấy sự chống đối đang tăng lên ở Mỹ và Úc và gần đây cũng ở Châu Âu. Gần 40 triệu đôla những thỏa thuận với Trung Quốc đã bị hủy bỏ từ giữa năm 2015, chủ yếu là do vấn đề cạnh tranh và an ninh quốc gia bị săm soi nhiều hơn.
Danh sách những những thỏa thuận bị săm soi đang trở nên dài hơn với việc đình hoãn thỏa thuận 44 tỉ đôla của ChemChina thâu tóm công ty nông nghiệp Syngenta của Thụy Sĩ.
Đức mới đây đã tuyên bố không chấp thuận để Fujian Grand Chip mua lại công ty sản xuất thiết bị bán dẫn Aixtron, dẫn ra “thông tin liên quan tới an ninh trước đây chưa được biết tới.”
Nhật báo kinh doanh Handelsblatt của Đức dẫn những nguồn tin tình báo Đức cho biết nhà chức trách Mỹ đã cho chính phủ Đức xem những bằng chứng cho thấy những con chip làm từ thiết bị của Aixtron có thể được sử dụng vì mục đích quân sự.
Nhưng sự bất cân đối về đầu tư nước ngoài giữa Trung Quốc và các nước phương Tây mới là điều đáng lưu ý. Các công ty của phương Tây gần như không bao giờ được Bắc Kinh chấp thuận cho mua lại một công ty quốc doanh quan trọng của Trung Quốc hoặc thậm chí một công ty tư nhân trong ngành bị hạn chế tiếp cận.
Điều này có nghĩa là những công ty như Đại Liên Vạn Đạt, một công ty có những liên hệ chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc, có thể thâu tóm những phim trường mang tính biểu tượng của Hollywood nhưng những công ty nước ngoài lại bị ngăn cản mua lại những công ty tương đương của Trung Quốc.
Tương tự, công ty Midea của Trung Quốc mua được Kuka, công ty sản xuất robot và là một trong những công ty tiên tiến nhất của Đức. Thế nhưng khi Carlyle, một công ty góp vốn tư nhân của Mỹ, tìm cách mua lại XCMG, công ty sản xuất công cụ máy móc của Trung Quốc, thì việc này bị Bắc Kinh ngăn chặn.
Trong một bài xã luận phản ánh quan điểm của mình, Financial Times, nhật báo chuyên về những vấn đề tài chính kinh doanh của Anh, gọi sự mất cân đối này là “không thể kéo dài và không đáng mong muốn.”
“Nếu Trung Quốc muốn tiếp tục hưởng lợi từ sự tiếp cận gần như miễn phí đối với những thương hiệu và công nghệ tốt nhất mà phương Tây có, họ cần xem xét nghiêm túc sự tương hỗ qua lại,” bài báo viết.
Theo Reuters, Xinhua, Financial Times