Trung Quốc gọi cáo buộc của Mỹ về các đồn cảnh sát là ‘vô căn cứ’

"Harry" Lu Jianwang, 61 tuổi, công dân Mỹ, bị cáo buộc làm đặc vụ cho chính quyền Trung Quốc, ảnh chụp hôm 17/4 ở New York.

Hôm thứ Ba 18/4, Trung Quốc phủ nhận mọi cáo buộc về việc nước này có cảnh sát hiện diện ở nước ngoài, cho rằng Hoa Kỳ đang đưa ra “những cáo buộc vô căn cứ” sau khi cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ bắt giữ hai người đàn ông ở New York vì lập một đồn cảnh sát chìm.

“Các tuyên bố đó không có cơ sở thực tế và không có cái gọi là đồn cảnh sát ở nước ngoài”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói hôm 18/4.

Chính quyền Hoa Kỳ đã bắt giữ hai người đàn ông, được nêu danh tính là “Harry” Lu Jianwang, 61 tuổi, và Chen Jinping, 59 tuổi, đều là công dân Hoa Kỳ, vào sáng 17/4. Lời cáo buộc cho rằng dưới sự chỉ đạo của một quan chức ở Trung Quốc, hai người đàn ông đã lập ra một cơ sở làm việc, ở đó, họ cung cấp một số dịch vụ cơ bản, chẳng hạn như giúp công dân Trung Quốc gia hạn giấy phép lái xe Trung Quốc.

Tuy nhiên, cơ sở này cũng đảm nhận các vai trò ngoài chức năng hành chính thông thường, bao gồm cả việc xác định tung tích của những người bất đồng chính kiến Trung Quốc sống ở Hoa Kỳ, các quan chức cho biết.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hôm 17/4 cũng buộc tội 34 quan chức trong Bộ Công an Trung Quốc về việc tạo và sử dụng hàng nghìn tài khoản mạng xã hội giả mạo trên Twitter và các nền tảng khác để sách nhiễu những người bất đồng chính kiến ở nước ngoài.

Ông Uông nói Trung Quốc không can thiệp vào chủ quyền của các nước khác.

Trung Quốc lâu nay cho thấy rằng họ sẵn sàng nhắm mục tiêu vào công dân của mình ngay cả sau khi họ rời khỏi Trung Quốc vì nhiều lý do, cho dù là chính trị hay kinh tế. Hãng tin AP trước đây từng đưa tin rằng một phụ nữ Trung Quốc đã bị giam cầm ở Dubai tại một nhà giam do Trung Quốc điều hành.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã thực hiện hai chiến dịch riêng biệt để đưa những nghi phạm bị truy nã chủ yếu về tội phạm kinh tế trở về Trung Quốc như một phần của nỗ lực chống tham nhũng. Họ đã bắt đầu phô trương sức mạnh của mình ở nước ngoài để đưa nhiều người về nước, hoặc là thông qua việc sử dụng các hiệp ước dẫn độ hoặc là các phương pháp không chính thức, chẳng hạn như gây áp lực cưỡng ép đối với người thân ở quê nhà Trung Quốc.

“Trung Quốc kiên quyết phản đối hành vi bôi nhọ và thao túng chính trị của Hoa Kỳ, nước này đã bịa đặt một cách ác ý một câu chuyện về cái gọi là đàn áp xuyên biên giới và trắng trợn truy tố các quan chức thực thi pháp luật Trung Quốc”, ông Uông nói.

(AP)