Sau truyền thông báo chí loan tin Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ thông tin mật với các giới chức Nga trong cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc, ông Trump đã viết trên Twitter hôm thứ Ba rằng ông muốn chia sẻ “các thông tin liên quan đến khủng bố và an toàn hàng không” và yêu cầu Nga phải có thêm hành động chống Nhà nước Hồi giáo.
Tổng thống Trump nói thêm rằng trong tư cách tổng thống, ông có “quyền tuyệt đối” chia sẻ những thông tin đó.
Nhiều hãng tin của Mỹ nói rằng Tổng thống Trump đã tiết lộ những thông tin được xếp loại có độ bảo mật cao cho Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và Ðại sứ Nga Sergey Kislyak trong cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc hồi tuần trước.
Nhật báo Washington Post bình luận rằng ông Trump dường như muốn khoe khoang kiến thức của ông về mối đe dọa sắp tới đối với ngành hàng không.
Còn tờ New York Times thì nói rằng các thông tin vốn được xem là đặc biệt nhậy cảm đó thậm chí còn không được chia sẻ rộng rãi trong nội bộ chính phủ Mỹ hay với các đồng minh.
Hai nhật báo lớn này và các hãng tin khác cón nói thêm rằng các thông tin đó được tiết lộ có thể sẽ đặt ra một mối nguy hiểm cho các nguồn cấp thông tin tình báo về Nhà nước Hồi giáo và cách thức thu thập các thông tin tình báo đó.
Tổng thống Mỹ có quyền giải mật hầu như mọi thông tin, do đó việc Tổng thống Trump làm sẽ không bị xem là bất hợp pháp. Nhưng các giới chức tình báo được các hãng tin trích lời bày tỏ lo ngại rằng việc tiết lộ thông tin tình báo được một chính phủ đối tác của Mỹ cung cấp đó có thể gây phương hại đến các mối quan hệ trọng yếu của Mỹ với các đồng minh.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, ông H. R. McMaster và các giới chức khác trong chính quyền Tổng thống Trump phủ nhận tính chính xác của các bản tin trên truyền thông báo chí.
Ông McMaster nói với các phóng viên báo chí tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Hai rằng tin tức này đầu tiên do báo Washington Post loan tải là “tin thất thiệt.” Ông nói tiếp rằng: “Không có một nguồn tin tình báo hay cách thức thu thập tin tình báo nào được mang ra thảo luận, và tổng thống không tiết lộ bất cứ cuộc hành quân nào chưa được công bố.”
Ông McMaster kết luận: “Tôi có mặt tại cuộc họp. Không có chuyện đó xảy ra.” Thông báo xong, ông McMaster quay lưng bước vào Cổng Tây của Tòa Bạch Ốc và không trả lời bất cứ câu hỏi nào của các phóng viên.
Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson cũng dự cuộc họp hôm 10/5 với Ngoại trưởng và Ðại sứ Nga. Ông Tillerson bênh vực phát biểu của ông McMaster và trong một thông báo nói rằng “rất nhiều đề tài trong nhiều lãnh vực được mang ra thảo luận, trong đó có các nỗ lực chung và những mối đe dọa chung liên quan đến việc chống khủng bố.”
Cả hai giới chức này đề phủ nhận việc tiết lộ thông tin bảo mật.
Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Ba cũng bác bỏ tin này vào nói rằng đó là “tin thất thiệt.”
Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) từ chối bình luận khi VOA liên lạc.
Ngay từ những ngày đầu của chính quyền ông Trump, vị tổng thống này dường như tỏ ra sẵn lòng làm việc với Nga đã khiến cho một số đồng minh của Mỹ cảm thấy không an tâm.
Một giới chức ngoại giao không muốn nêu tên nói với đài VOA rằng: “Đó là mối lo ngại chính. Nga là nước thường phá hoại.”
Nhưng một số cựu giới chức tình báo cho rằng ảnh hưởng từ cuộc họp ở Tòa Bạch Ốc trong tuần qua, nếu có thì cũng sẽ không lớn.
Ông Michael Pregent, một cựu giới chức tình báo hiện đang cộng tác với viện nghiên cứu Hudson ở Washington, nhận định rằng: “Sẽ chẳng có thiệt hại gì cả. Chẳng có nguồn tin hay cách thu thập tin tình báo nào bị tiết lộ.”
Ông Pregent, người từng làm việc với ông McMaster ở Iraq, nói rằng ông Cố vấn An ninh Quốc gia chắc không thể để cho tổng thống vượt qua lằn ranh nguy hiểm.
Theo ông Pregent, thì ngược lại cuộc họp của các giới chức Nga tại Tòa Bạch Ốc có thể là một cơ hội cho Washington.
Ông nói: “Chia sẻ thông tin với Nga và kêu gọi họ thực hiện những hành động chưa được thực hiện để chống Nhà nước Hồi giáo ở Syria.”