Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã sử dụng Twitter tối 5/6 để kêu gọi áp dụng lệnh cấm du hành đối với với người đến từ "các quốc gia nguy hiểm", theo cách gọi của ông, đồng thời ông chỉ trích những nỗ lực gọi là "có tính cách xoa dịu về mặt chính trị" nhằm làm giảm mức độ nghiêm ngặt của lệnh cấm du hành ban đầu của ông, đề nghị ngăn chặn, không cho những người đến từ một số nước có đa số dân theo Hồi giáo nhập cảnh.
Ông Trump viết: "Đúng vậy, chúng ta cần lệnh cấm du hành đối với một số quốc gia NGUY HIỂM, chứ không phải một thuật ngữ mực thước về mặt chính trị chẳng giúp gì cho chúng ta để bảo vệ người dân của mình!"
Đoạn tweet đó được đăng tiếp sau các tweet trước đó trong ngày 5/6 về cùng chủ đề, đổ lỗi cho Bộ Tư pháp là đã tìm cách xoa dịu, làm cho lệnh cấm du hành trở nên bớt nghiêm ngặt, trong khi chính ông ký lệnh sửa đổi sau khi lệnh ban đầu bị thách thức tại tòa.
Sắc lệnh hành pháp đầu tiên cấm người Iraq, Iran, Syria, Libya, Yemen, Somalia và Sudan nhập cảnh trong 90 ngày và cấm người tị nạn từ Syria vô thời hạn, đồng thời chấp nhận ngoại lệ đối với các nhóm tôn giáo thiểu số. Lệnh sửa đổi đã bỏ Iraq ra khỏi danh sách, thay đổi lệnh cấm người tị nạn Syria thành 120 ngày và loại bỏ các ngoại lệ về tôn giáo.
Nhiều tòa án liên bang đã cấm nhà chức trách thực thi lệnh, cho rằng lệnh này vi hiến vì có tính cách kỳ thị đối với Hồi giáo.
Hôm 5/6, ông Trump nói: "Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi đều RÀ SOÁT CỰC KỲ KỸ LƯỠNG những người nhập cảnh vào Mỹ để giữ cho đất nước chúng ta được an toàn. Các toà án rất chậm chạp và mang tính chính trị!"
Ông viết thêm: "Bộ Tư pháp nên đưa Lệnh cấm du hành đã bị nới lỏng ra Tòa Tối cao để sớm được phân xử - và đòi phải có một lệnh cấm gắt gao hơn!"
Bộ Tư pháp tuần trước đã đệ đơn kháng cáo lên Toà Tối cao, đề nghị tòa phân xử vụ Tòa Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 4 của Hoa Kỳ ra phán quyết chống lại lệnh cấm du hành của chính quyền. Các trường hợp khác vẫn đang chờ phán quyết của Toà Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9.