Trò chuyện với 'Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam'

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mạng Lưới Blogger)

Một trong những nhiệm vụ của Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam là trả lại đúng ý nghĩa và giá trị đẹp của hai chữ ‘nhân quyền’ vốn là những quyền căn bản rất bình thường ai sinh ra cũng phải được hưởng, không có gì là ‘nhạy cảm’ cả. Cho nên, hoạt động của chúng tôi không thách thức bất cứ đối tượng nào.
Hoàng Vi
Các nhà hoạt động nữ trong nước vừa thành lập Hội Phụ Nữ Nhân quyền Việt Nam hôm 25/11 để tranh đấu-bảo vệ cho nhân quyền và nữ quyền giữa lúc thành tích nhân quyền của Việt Nam tiếp tục bị quốc tế lên án dù Hà Nội vừa trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.

Thông cáo của tổ chức nói Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam đại diện một cách độc lập, công bằng và vô vị lợi cho toàn thể những người phụ nữ bị tổn thương về nhân quyền.

Giữa lúc những đòi hỏi nhân quyền còn bị cho là nhạy cảm tại Việt Nam, việc Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam công khai thành lập một tổ chức như vậy là một thách thức đối với nhà cầm quyền hay họ tự biến mình thành mục tiêu chịu thách thức?

Không được nhà nước công nhận chắc chắn khó tránh được những khó khăn, những người phụ nữ cổ xúy dân chủ-nhân quyền này tự chuẩn bị cho mình thế nào để có thể phát huy hoạt động? Làm thế nào để mọi việc không chỉ dừng lại ở tính khởi phát mà mang tính chất bền vững?

Đó cũng là nội dung cuộc trao đổi trên Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay với ba thành viên sáng lập tổ chức là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ở Nha Trang, Nguyễn Hoàng Vi tại Sài Gòn, và Trần Thị Nga từ Hà Nam.

Như Quỳnh: Mục đích của tổ chức nhằm bảo vệ, phát huy nhân quyền; lên tiếng cho các phụ nữ bị đàn áp, sách nhiễu, bạo hành trong xã hội; lập hồ sơ báo cáo hằng năm về việc phụ nữ bị đàn áp ở Việt Nam để gửi các tổ chức NGO quốc tế, các cơ quan ngoại giao nước ngoài; phổ biến các tài liệu về quyền con người.
Rủi ro nếu có chúng tôi sẵn sàng đón nhận một cách an vui vì không có tự do nào được cho không.
Như Quỳnh

Trà Mi: Vì sao cần có tổ chức Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam trong khi tại Việt Nam không thiếu các hội nhóm phụ nữ từ địa phương đến trung ương?

Trần Thị Nga: Các hội phụ nữ trong nước là những cánh tay nối dài của nhà cầm quyền cộng sản, họ không có bảo vệ người dân.

Trần thị Nga (Thúy Nga)


Như Quỳnh: Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam không chỉ bảo vệ những phụ nữ đấu tranh mà cả những phụ nữ bình thường. Một trong những hình thức hoạt động gần gũi nhất là phát Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và các Công ước quốc tế Việt Nam đã ký liên quan đến quyền con người.
Chúng tôi cũng sẽ đi thăm các phụ nữ tranh đấu cho nhân quyền hay là người thân của những người tranh đấu cho sự tiến bộ của xã hội mà bị đàn áp.


Trà Mi: Các bạn chuẩn bị các phương án thế nào để có thể thực hiện kế hoạch suông sẻ giữa các biện pháp tăng cường đối phó của chính quyền đối với các hoạt động mà bị nhà nước gọi là ‘tuyên truyền’ ‘chống đối’?
Đoàn kết chính là sức mạnh để mình đi trên con đường vững chắc hơn.
Nguyễn Thị Nga

Hoàng Vi: Không phải Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam ra đời tụi em mới đấu tranh. Trước giờ tụi em vẫn đấu tranh và luôn gặp những rủi ro đó. Tụi em chỉ có khả năng bảo đảm những việc làm của mình ở mức ôn hòa, không bạo động. Còn nhà cầm quyền đối phó thế nào, thái độ của họ em không lựa chọn được, em chấp nhận những rủi ro họ mang đến.

Như Quỳnh: Tôi từng đi phát Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và đã gặp phải những trở ngại. Việc Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc là một thuận lợi cho Phụ nữ Nhân quyền tiếp tục công việc của mình. Rủi ro nếu có chúng tôi sẵn sàng đón nhận một cách an vui vì không có tự do nào được cho không.

Trà Mi: Chị hy vọng sau khi Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, mọi chuyện sẽ ‘dễ thở’ hơn?

Như Quỳnh: Mình không hy vọng như vậy. Mình hy vọng các nước dân chủ đã bỏ phiếu cho Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền phải có trách nhiệm giám sát. Trong 3 năm Việt Nam làm thành viên Hội đồng, chúng tôi có cơ hội thúc đẩy, nâng cao nhận thức của mọi người về nhân quyền.

Trà Mi: Giữa lúc những đòi hỏi nhân quyền còn bị cho là nhạy cảm tại Việt Nam, việc Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam công khai thành lập một tổ chức như vậy là một thách thức đối với nhà cầm quyền hay họ tự biến mình thành mục tiêu chịu thách thức?

Nguyễn Hoàng Vi


Hoàng Vi: Một trong những nhiệm vụ của Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam là trả lại đúng ý nghĩa và giá trị đẹp của hai chữ ‘nhân quyền’ vốn là những quyền căn bản rất bình thường ai sinh ra cũng phải được hưởng, không có gì là ‘nhạy cảm’ cả. Cho nên, hoạt động của chúng tôi không thách thức bất cứ đối tượng nào.

Trà Mi: Một tổ chức tại Việt Nam không đăng ký sinh hoạt, không được nhà nước công nhận thì khó tránh khỏi khó khăn. Làm thế nào để một tổ chức không được nhà nước công nhận có thể tự bảo vệ mình trước khi nói tới chuyện bảo vệ người khác? Các thành viên trong hội nghĩ sao?

Như Quỳnh: Hiến pháp quy định dân có quyền lập hội. Các thông tư, nghị định, văn bản dưới Hiến pháp chế tài quyền của dân là đã sai về căn bản. Đó là cơ sở lý luận đầu tiên của chúng tôi. Nhân quyền là quyền của mỗi người, không phải là ân huệ xin-cho. Hy vọng với sự đi trước của chúng tôi, những người khác sẽ thấy nếu chúng tôi làm được thì họ cũng làm được.

Trà Mi: Theo các bạn, vì sao phụ nữ Việt Nam, dù ngày càng được tôn trọng và có vị trí hơn, nhưng sự tham gia vào đời sống chính trị-xã hội loại thuộc vào nhóm các nước trung bình kém?

Nguyễn Thị Nga: Có những người khi tham gia vào các công việc chính trị-xã hội bị nhà cầm quyền đàn áp, đe dọa, khủng bố. Vì vậy, nhiều người đã phải rút lui. Trong xã hội Việt Nam, phụ nữ vẫn còn bị kỳ thị, chưa được bình đẳng đích thực. Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam ra đời để kêu gọi phụ nữ Việt cần biết đến quyền của mình.

Trà Mi: Đã dấn thân thì ắt chịu thiệt thòi. Những thiệt thòi đó của phụ nữ Việt Nam so với các nước khác, khác nhau thế nào theo ghi nhận của các bạn?

Như Quỳnh: Khó khăn lớn nhất của phụ nữ Việt Nam đó là cân bằng trách nhiệm xã hội với cuộc sống gia đình vì tập tính đàn ông Việt Nam chưa có thói quen chia sẻ, giúp đỡ gánh nặng gia đình với phụ nữ. Trường hợp của tôi là một ví dụ. Khi an ninh đến sách nhiễu công ăn việc làm của chồng vì các hoạt động của tôi đã tạo ra mối bất hòa trong gia đình rất lớn, tạo ra áp lực rất nặng nề. Một tôi phải chấp nhận từ bỏ chuyện xã hội. Hai là chọn chuyện gia đình. Nhưng khi chọn chuyện gia đình mình có cảm thấy thật sự là mình hay không, mình có thể thoải mái với sự lựa chọn đó hay không, lại là một vấn đề khác.

Trà Mi: Các bạn nhận xét thế nào về ý thức nhân quyền của người dân Việt Nam?

Hoàng Vi: Người ta không có nhận thức nhân quyền là gì. Phần đông do thiếu hiểu biết nên mới sợ hãi. Để người dân bớt sợ hãi, phải cho họ hiểu được đúng nghĩa từ nhân quyền. Số đông hiểu biết sẽ dẫn đến sự thay đổi.

Trà Mi: Cùng với sự phát triển của truyền thông xã hội, hoạt động xã hội dân sự cũng có chiều hướng gia tăng. Tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều hội nhóm dân sự như Mạng lưới blogger Việt Nam, Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự, Phụ nữ nhân quyền VN. Làm thế nào để những dấu hiệu khởi phát này có tính chất bền vững hơn là mang tính phong trào?

Hoàng Vi: Nó dựa vào sự kiên trì của chúng ta. Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo. Mặc cho sự đàn áp, mình vẫn đi theo con đường mình chọn thì sự thay đổi từ từ sẽ đến.

Nguyễn Thị Nga: Đoàn kết chính là sức mạnh để mình đi trên con đường vững chắc hơn.

Trà Mi: Cảm ơn những người Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam đã dành thời gian cho chương trình hôm nay. Chúc các bạn thành công.

Your browser doesn’t support HTML5

Bấm vào nghe toàn bộ cuộc thảo luận


Xin mời quý vị cùng tham luận với chương trình trong phần ý kiến ngay bên dưới bài đăng.