Con gái của một người Việt tự thiêu ở Mỹ để phản đối Trung Quốc xâm lấn biển đảo Việt Nam cho biết cha cô luôn thao thức về chuyện chủ quyền đất nước và luôn muốn làm điều gì đó kêu gọi sự quan tâm của mọi người về vấn đề này.
Ông Hoàng Thu, 71 tuổi, tẩm xăng lên mình và nổi lửa tự thiêu hôm 20/6 trước một khu chung cư trong thành phố Bradenton thuộc bang Florida, để lại bút tích tại hiện trường yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi hải phận Việt Nam.
Ba ngày sau, người cựu sĩ quan pháo binh của quân lực Việt Nam Cộng hòa đã qua đời vì những vết cháy và bỏng nặng khắp thân thể.
Dù em rất buồn, nhưng em cũng cảm thấy vinh hạnh là ba em làm được chuyện đó. Do đó, em hy vọng những ý nguyện của ba em khi làm chuyện này, một ngày nào đó, sẽ thành tựu.
Trong cuộc trao đổi với Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay, con gái ông, cô Hoàng Thục Oanh, sẽ kể cho chúng ta nghe đôi chút về ngọn đuốc sống thứ hai phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương vào vùng biển Việt Nam kể từ tháng 5 tới nay.
Your browser doesn’t support HTML5
Thục Oanh: Em bảo lãnh ba em đến Mỹ 5 năm về trước, qua đây ở với gia đình em và mẹ em. Ba em thường ở nhà trồng cây, lâu lâu lên tiệm nail của em chơi.
Trà Mi: Bằng cách nào ông theo dõi tin tức thời sự và biết nhiều về những gì đang diễn ra ở Việt Nam?
Thục Oanh: Em sợ ba em ở nhà buồn nên có bắt satellite đài Việt ngữ cho ba em xem. Ba em thích coi thời sự lắm.
Trà Mi: Lúc trước ở Việt Nam, ông có quan tâm đến tình hình thời sự trong nước không. Khi sang đây, sự quan tâm của ông có chuyển hướng hay thay đổi gì không?
Thục Oanh: Ba em hồi xưa ở Việt Nam cũng vậy. Có những lúc ba em nói với gia đình về những bức xúc khi xem tin tức này nọ, nhưng em với mẹ gạt qua.
Trà Mi: Ông có biểu hiện gì bất thường trước khi tự thiêu không?
Thục Oanh: Tụi em không thấy có gì. Ba em vẫn bình thường, vẫn làm những việc hằng ngày, không có gì thay đổi.
Trà Mi: Ông có những biểu hiện bất mãn hay bất đồng với gia đình hay bức xúc, buồn bực trong lòng về điều gì khác?
Thục Oanh: Không, ba em vẫn bình thường vui vẻ vậy. Trước đó, ba có gọi cho mẹ và em trai của em, căn dặn chăm sóc cháu. Ba gọi em, nhưng lúc đó em không có ở nhà. Ba gọi cho mẹ và nói là cần phải đi, dặn mẹ em cố gắng sống mạnh mẽ để lo cho con cháu.
Trà Mi: Trước nay ông có vấn đề gì về tinh thần và thể chất không?
Thục Oanh: Không, ba em bình thường lắm, khỏe lắm, thường hay cắt cỏ, trồng rau, trồng bông, làm đủ thứ hết. Ba em hồi xưa đi lính cho Cộng hòa, cũng bất mãn về chế độ, không được vui. Cho nên, khi em bảo lãnh ba qua đây, ba rất vui và thích lắm, sống rất vui vẻ. Mỗi năm tụi em đều đưa ba về Việt Nam 2 tháng thăm con cháu, ở Mỹ 10 tháng. Nếu ba không mất, cái vé em đang mua đây là ba em sẽ đi Việt Nam vào ngày 18/7 này.
Trà Mi: Sau mỗi chuyến đi Việt Nam, ông có biểu hiện hay tâm tình gì khác biệt không?
Thục Oanh: Ba em thường bức xúc khi coi TV. Giải phóng vô, ba em không có được công việc tốt để chăm sóc gia đình, nên cũng buồn và bất mãn về chế độ. Em trai em còn ở Việt Nam nên cái gì ba cũng kiềm chế, em hiểu như vậy. Ba bất mãn về chế độ, về đất nước này kia.
Trà Mi: Chị có chia sẻ những mối quan tâm, ưu tư của ông không?
Thục Oanh: Dạ không vì không có thời gian nhiều. Ba nói gì tụi em cũng gạt qua. Em cũng không muốn phải can thiệp vô những chuyện đó vì chỉ muốn cuộc sống bình yên vậy thôi. Em và mẹ nói với ba rằng mình đã bước qua đây có cuộc sống mới, bắt đầu lại từ đầu, không cần phải quan tâm nhiều. Ba coi TV thường hay bức xúc. Ba cũng khen người đàn bà đó hay quá, là đàn bà mà làm được chuyện đó.
Trà Mi: Chị muốn nhắc tới vụ tự thiêu tương tự ở Sài Gòn hôm 23/5?
Thục Oanh: Dạ đúng.
Trà Mi: Không có thời gian chia sẻ những tâm tình của ông, nhưng những điều ông bức xúc, là một người trẻ trải qua đời sống ở Việt Nam lẫn bên này, chị có thấy những điều ông trăn trở là đúng hay không?
Thục Oanh: Dạ em nghĩ là đúng. Em cũng thường coi TV, báo chí. Em thấy cuộc sống (ở Việt Nam) như vậy cũng không được tốt, nhưng giờ mình đâu có cách nào làm gì được. Em và mẹ cũng thường nói với ba rằng mình chỉ là hạt cát thôi, đừng nghĩ ngợi nhiều, cứ vui vẻ với gia đình đi.
Trà Mi: Chị có nghĩ hành động của ông do bị ảnh hưởng quá mức từ tin tức truyền thông?
Thục Oanh: Em không rõ, ba em suy nghĩ gì mình cũng không hiểu được, nhưng em biết ba em bức xúc.
Trà Mi: Trước trường hợp ông Thu, một Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất trong nước cũng tự thiêu ở Sài Gòn hôm 23/5 phản đối giàn khoan Hải Dương Trung Quốc. Ông Thu cũng là một Phật tử, ông có liên hệ gì với Giáo hội này không?
Thục Oanh: Cái đó em không biết.
Trà Mi: Các vụ tự thiêu phản đối Trung Quốc trước nay nổi tiếng nhất là ở Tây Tạng mà đa số cũng là những Phật tử, ni-sư. Họ phản đối Trung Quốc kèm kẹp Tây Tạng quá mức. Bây giờ 2 vụ tự thiêu mới đây nhất của người Việt phản đối Trung Quốc về vấn đề chủ quyền cũng là Phật tử. Chị có suy nghĩ thế nào về sự trùng hợp này khi những vụ tự thiêu phản đối Trung Quốc đều xuất phát từ Phật tử?
Thục Oanh: Em thấy những chuyện đó quá trùng hợp với nhau, cũng không hiểu được vì sao.
Trà Mi: Dù ông ra đi không để lại lời trăn trối nào với con cháu, nhưng hành động của ông cùng với mảnh giấy để lại đã nói lên rất nhiều điều với cộng đồng người Việt trong và ngoài nước. Gia đình muốn chia sẻ điều gì với người Việt khắp nơi qua cái chết của ông Thu?
Thục Oanh: Dù em rất buồn, nhưng em cũng cảm thấy vinh hạnh là ba em làm được chuyện đó. Do đó, em hy vọng những ý nguyện của ba em khi làm chuyện này, một ngày nào đó, sẽ thành tựu.
Trà Mi: Chị có suy nghĩ gì về hành động tự thiêu của ông và thông điệp ông gửi lại?
Thục Oanh: Em cũng không biết phải trả lời làm sao.
Trà Mi: Chị có nghĩ nó có ảnh hưởng nào đó đối với người dân Việt, với đất nước Việt đang bị xâm lấn, và với nước gây hấn là Trung Quốc?
Thục Oanh: Em cũng hy vọng là tạo được một sự ảnh hưởng nào đó để những gì ba suy nghĩ và ba em đã làm giúp được đất nước Việt Nam thay đổi, cuộc sống người dân được thay đổi. Em cũng mong như vậy. Em chỉ muốn nói là họ phải làm sao đất nước được hòa bình, mọi người được sống trong cuộc sống tự do-dân chủ.
Trà Mi: Hành động của ba chị tự thiêu phản đối Trung Quốc xâm lấn chủ quyền đất nước gây cho chị những suy nghĩ gì về trách nhiệm của người Việt Nam với chủ quyền lãnh thổ?
Thục Oanh: Ước nguyện của em là mong làm sao đất nước mình được tốt đẹp hơn. Em mong họ có thể cố gắng đứng lên, tranh đấu làm sao để giữ được những gì là của mình, những quyền lợi của mình.
Trà Mi: Xin cảm ơn chị rất nhiều về thời gian dành cho cuộc trao đổi này.