Triều Tiên vừa bắn thử tên lửa chiến thuật có điều hướng

Triều Tiên công bố hôm 17/1 ảnh phóng tên lửa chiến thuật.

Hôm thứ Ba 18/1, Triều Tiên cho biết họ đã tiến hành bắn thử “tên lửa chiến thuật có điều hướng”, một ngày sau khi quân đội Hàn Quốc phát hiện Triều Tiên phóng hai tên lửa đạn đạo ra biển.

Vụ thử hôm 17/1 là đợt phóng tên lửa thứ tư của Triều Tiên trong tháng này và là lần thứ hai kể từ khi Bộ Ngoại giao Triều Tiên cảnh báo về hành động mạnh mẽ hơn và rõ ràng hơn sau khi chính quyền của ông Biden ở Mỹ hồi tuần trước áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với việc Triều Tiên tiếp tục khoe khoang vũ khí.

Một số chuyên gia cho rằng, lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đang áp dụng trở lại mánh khóe cũ “bên miệng hố chiến tranh” hầu đạt được sự nhượng bộ từ Washington và các nước láng giềng khi ông ta vật lộn với nền kinh tế đổ vỡ và những khó khăn liên quan đến đại dịch.

Những thất bại về kinh tế khiến ông Kim không có nhiều con bài trong những nỗ lực ngoại giao của ông ta với Mỹ. Hoạt động đó đã bị trật bánh vào năm 2019 sau khi phía Mỹ không chấp nhận lời đề nghị của phía Triều Tiên về nới lỏng các biện pháp trừng phạt lớn và đổi lại, Triều Tiên sẽ từ bỏ một phần khả năng hạt nhân của họ.

Hãng thông tấn trung ương của Triều Tiên KCNA cho biết vụ thử vừa qua có mục đích đánh giá về các tên lửa đã được chế tạo và triển khai. KCNA nói các tên lửa đã tấn công "chính xác" một mục tiêu trên biển để xác nhận "độ chính xác, bảo mật và hiệu quả" của hệ thống.

Tin của KCNA không nói rõ đó là loại tên lửa gì. Kim Dong-yub, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên của Seoul, cho biết các bức ảnh trên phương tiện truyền thông nhà nước cho thấy Triều Tiên đã thử nghiệm một loại vũ khí tầm ngắn có bề ngoài tương tự như Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân MGM-140 của Hoa Kỳ.

Được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2019, tên lửa này là một phần trong các loại vũ khí tầm ngắn đang gia tăng về số lượng của Triều Tiên mà các chuyên gia cho rằng nhằm áp đảo các hệ thống phòng thủ tên lửa ở Bắc Á. Hôm 14/1, Triều Tiên cũng phóng tên lửa. Đó là một loại vũ khí tầm ngắn khác dường như được mô phỏng theo hệ thống tên lửa đạn đạo di động Iskander của Nga.

Những tên lửa này, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, được thiết kế để có thể di chuyển linh hoạt và bay ở tầm thấp, về mặt lý thuyết cho chúng cơ hội tốt hơn trong việc né tránh và đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa.

Park Won Gon, giáo sư tại Đại học Ewha Womans ở Seoul, cho biết việc Triều Tiên phát triển và sản xuất hàng loạt loại vũ khí tầm ngắn này là một phần quan trọng trong nỗ lực của Triều Tiên nhằm củng cố vị thế như là một cường quốc hạt nhân với hy vọng giành được những nhượng bộ kinh tế rất cần thiết từ các đối thủ.

Cho đến nay, Triều Tiên vẫn từ chối lời đề nghị của chính quyền Biden về nối lại các cuộc đàm phán. Họ nói rằng Washington trước tiên phải từ bỏ những gì mà Bình Nhưỡng coi là các chính sách "thù địch".

(AP)