Triều Tiên và Mỹ hôm thứ Bảy lời qua tiếng lại về một thỏa thuận đạt được tại một hội nghị thượng đỉnh lịch sử vào tháng 6 để thuyết phục quốc gia cộng sản này chấm dứt chương trình hạt nhân, trong khi Washington kêu gọi duy trì áp lực chế tài đối với Bình Nhưỡng, và Bình Nhưỡng đáp lại bằng cách nói rằng họ lo lắng về những ý định của Mỹ.
Sự bất hòa này tại một diễn đàn khu vực ở Singapore là lời nhắc nhở mới nhất về những khó khăn mà lâu nay đã cản trở những nỗ lực đàm phán nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân và phi đạn của Triều Tiên, bất chấp những cam kết được đưa ra tại một hội nghị thượng đỉnh chưa từng có giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un tại đảo quốc này chưa đầy hai tháng trước.
"CHDCND Triều Tiên vững vàng trong quyết tâm và cam kết của mình thực hiện Tuyên bố chung CHDCND Triều Tiên-Hoa Kỳ theo một cung cách có trách nhiệm và có thiện ý," Ngoại trưởng Ri Yong Ho của Triều Tiên phát biểu trước Diễn đàn Khu vực ASEAN.
"Song điều đáng báo động là những hành động cố chấp trong nội bộ Hoa Kỳ nhằm quay trở lại đường lối cũ, rời xa ý định của nhà lãnh đạo nước này," ông nói.
Ông Ri đưa ra phát biểu này sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rời trung tâm hội nghị ở Singapore để đi Indonesia. Ông Pompeo đã hối thúc các quốc gia Đông Nam Á duy trì các chế tài nhắm vào Triều Tiên cho đến khi nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân mà giờ có khả năng đe dọa Mỹ.
Tại hội nghị thượng đỉnh ngày 12 tháng 6, ông Kim, hiện đang tìm cách để các chế tài nghiêm khắc được giảm nhẹ, cam kết sẽ làm việc hướng tới giải trừ hạt nhân, nhưng Triều Tiên không đưa ra chi tiết nào về việc họ sẽ tiến hành việc này ra sao.
Ông Pompeo hôm thứ Sáu phát biểu rằng những hoạt động tiếp diễn của Triều Tiên về chương trình vũ khí của nước này không nhất quán với cam kết giải trừ hạt nhân. Nhưng qua ngày thứ Bảy ông nói ông lạc quan rằng việc giải trừ hạt nhân Triều Tiên có thể thành tựu mặc dù "sẽ mất thời gian."
Ông Ri nói Triều Tiên đã đưa ra những cử chỉ thiện chí, bao gồm việc đình chỉ các vụ thử hạt nhân và phóng phi đạn và tháo dỡ một địa điểm thử nghiệm hạt nhân.
"Tuy nhiên, Hoa Kỳ, thay vì đáp lại các biện pháp này, lại còn lớn tiếng hơn đòi duy trì các chế tài nhắm vào CHDCND Triều Tiên và tỏ thái độ thoái lui thậm chí khỏi tuyên bố chấm dứt chiến tranh, một bước rất cơ bản và chính yếu để đem lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên," ông nói.
Theo một báo cáo mật của Liên Hiệp Quốc mà Reuters nói đã xem qua hôm thứ Sáu, Triều Tiên vẫn chưa đình chỉ chương trình hạt nhân và phi đạn vi phạm các chế tài của Liên Hiệp Quốc.
Mặc dù ông Pompeo đang dẫn đầu các nỗ lực đàm phán của Mỹ với Triều Tiên, ông không có cuộc họp chính thức nào với ông Ri tại Singapore. Tuy nhiên, vào lúc chụp hình tập thể trong ngày thứ Bảy, ông đã bước tới bắt tay và trao đổi vài lời và cười với ông Ri.
Ông nói với ông Ri: "Chúng ta nên sớm hội đàm thêm lần nữa," Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
"Tôi đồng ý, chúng ta cần có nhiều cuộc hội đàm mang lại kết quả," ông Ri đáp lời, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.
Ông Pompeo sau đó tweet rằng đó là "một cuộc trao đổi chóng vánh, lịch sự" và đã có cơ hội để trao một bức thư của ông Trump cho ông Kim Jong Un.
Ông Trump đăng lên Twitter hôm thứ Năm một thông điệp cảm ơn ông Kim đã trả lại hài cốt của binh lính Mỹ từ thời Chiến tranh Triều Tiên và nói rằng ông mong "sớm" gặp lại ông Kim, dù Nhà Trắng cho biết không có cuộc hội kiến thứ hai hiện đang được lên kế hoạch.