Sau nhiều thập kỷ bị các chính phủ và các nhà phân tích nước ngoài do thám qua vệ tinh, Triều Tiên đã phóng vệ tinh do thám đầu tiên của chính họ lên quỹ đạo toàn cầu với thông điệp gửi đến thế giới: chúng tôi cũng có thể theo dõi quý vị được.
Hôm 28/11, truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết lãnh tụ Kim Jong Un của họ đã xem xét các bức ảnh vệ tinh do thám chụp Tòa Bạch Ốc, Ngũ Giác Đài và các hàng không mẫu hạm tại căn cứ hải quân Norfolk.
Hồi tuần trước, Triều Tiên đã phóng thành công vệ tinh do thám đầu tiên, mà họ nói là nhằm để theo dõi các hoạt động quân sự của Mỹ và Hàn Quốc.
Kể từ đó, truyền thông nhà nước của họ đã đưa tin về các thành phố và căn cứ quân sự ở Hàn Quốc, Guam và Ý, bên cạnh thủ đô của Mỹ, đã bị chụp ảnh vệ tinh.
“Bạn có nhớ lúc bạn nhận được món đồ chơi mà bạn luôn muốn có vào dịp Giáng sinh và bạn phấn khích đến nỗi bạn muốn nói cho cả thế giới biết không?”, ông Chad O’Carroll, người sáng lập trang web NK News chuyên đưa tin tức về Triều Tiên, viết trên X về các bản tin của hãng thông tấn KCNA.
Cho đến nay, Bình Nhưỡng vẫn chưa công bố bất kỳ hình ảnh nào, và điều này đã khiến các nhà phân tích và chính phủ nước ngoài tranh cãi về việc liệu vệ tinh mới có năng lực thực sự như thế nào.
Hàn Quốc cho rằng không thể xác minh được năng lực vệ tinh của Triều Tiên. Seoul nói hôm 28/11 rằng ngày dự định phóng vệ tinh do thám đầu tiên của họ trên tên lửa Falcon 9 của Mỹ sẽ bị hoãn lại do thời tiết. Ngày dự định phóng ban đầu là 30/11.
Không có lý do gì để nghi ngờ chuyện vệ tinh của Triều Tiên có thể nhìn thấy các vùng rộng lớn hoặc tàu chiến mà Triều Tiên nói là nó làm được, vì ngay cả một máy ảnh có độ phân giải trung bình cũng có thể giúp Bình Nhưỡng làm được việc đó, ông Dave Schmerler, chuyên gia hình ảnh vệ tinh tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin (CNS), nhận xét.
“Nhưng việc những hình ảnh đó hữu ích như thế nào tùy thuộc vào chuyện họ muốn sử dụng chúng để làm gì”, ông nói.
Để các vệ tinh có độ phân giải trung bình có ích trong xung đột, Triều Tiên sẽ cần phải phóng nhiều vệ tinh hơn nữa để có thể bay qua các địa điểm quan trọng thường xuyên hơn, Schmerler nói, đó cũng là mục tiêu mà cơ quan vũ trụ Triều Tiên nói rằng họ đang theo đuổi.
“Đó là bước nhảy vọt lớn đối với họ khi đi từ chỗ không có gì đến có được một chút, nhưng phải đến khi chúng ta có thể nhìn thấy những hình ảnh họ thu thập được mới biết rõ, còn hiện giờ chúng ta chỉ đang suy đoán về các công dụng của vệ tinh”, ông nói.
Jeffrey Lewis, một nhà nghiên cứu khác tại CNS, chỉ ra rằng hình ảnh trên truyền thông nhà nước ghi lại việc ông Kim đang xem các bức ảnh vệ tinh với con gái cho thấy các chúng có thể là hình ảnh đen trắng nhạy cảm với mọi bước sóng của ánh sáng thấy được.
Ông Kim cũng xem kỹ các bức ảnh vệ tinh chụp Căn cứ Không quân Andersen ở đảo Guam phía tây Thái Bình Dương của Mỹ và một nhà máy đóng tàu và căn cứ không quân của Mỹ ở Norfolk và Newport, nơi có thể thấy bốn tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ và một tàu sân bay của Anh, KCNA cho biết.