Triều Tiên chỉ trích chiến lược mới của Mỹ về chống vũ khí hủy diệt hàng loạt vì bản chiến lược mô tả quốc gia cá biệt này nằm trong số những nước mà Mỹ xem là "mối đe dọa không ngừng", hãng thông tấn KCNA của Triều đưa tin hôm thứ Tư 4/10.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Triều Tiên cáo buộc Mỹ gia tăng các mối đe dọa hạt nhân, nêu dẫn chứng là các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc và việc điều động một tàu ngầm hạt nhân chiến lược tới nước này, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA cho biết.
Người phát ngôn nói rằng quân đội Triều Tiên sẽ chống lại chiến lược quân sự của Mỹ bằng "chiến lược đáp trả kéo dài và mạnh mẽ nhất", sử dụng một trích đoạn trong hiến pháp sửa đổi của nước này.
Theo truyền thông nhà nước, Triều Tiên tuần trước đã thông qua hiến pháp sửa đổi để khẳng định chính sách về lực lượng hạt nhân, cùng lúc Lãnh tụ Kim Jong Un cam kết đẩy nhanh sản xuất vũ khí hạt nhân để ngăn chặn điều mà ông gọi là hành động khiêu khích của Mỹ.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã chỉ trích động thái này trong một tuyên bố hôm 4/10 , nói rằng Bình Nhưỡng sẽ “bị cô lập hơn nữa” trên trường quốc tế, điều này sẽ “làm trầm trọng thêm” nỗi thống khổ của người Triều Tiên.
Bộ này nói thêm rằng bất kỳ lúc nào Bình Nhưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân cũng sẽ khiến chế độ này chấm dứt tồn tại, những lời lẽ này lặp lại phát biểu mà Tổng thống Yoon Suk Yeol đưa ra hồi tháng trước.
"Chiến lược chống vũ khí hủy diệt hàng loạt năm 2023" của Bộ Quốc phòng Mỹ có phiên bản không đóng dấu “Mật”, trong đó viết rằng "Triều Tiên, Iran và các tổ chức cực đoan bạo lực vẫn là những mối đe dọa không ngừng khi họ tiếp tục theo đuổi và phát triển hơn nữa khả năng WMD (vũ khí hủy diệt hàng loạt)".
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Triều Tiên cũng chỉ trích tuyên bố chiến lược ngày 28/9 của quân đội Mỹ vì mô tả Trung Quốc là “thách thức ngày càng tăng” và Nga là “mối đe dọa cấp tính”, gọi đây là “sự khiêu khích chính trị” đối với các quốc gia có chủ quyền độc lập.
Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yung-ho nói với các phóng viên ở Đức hôm 3/10 rằng tình hình trao đổi qua lại liên Triều đang "được theo dõi", theo hãng tin Yonhap.