Triệu chứng ho đêm mãn tính

Medical medicine health graphic

Thính giả tên Hải ở bang Indiana hỏi về chứng ho mãn tính ban đêm.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Triệu chứng ho đêm mãn tính

Your browser doesn’t support HTML5

Triệu chứng ho đêm mãn tính

Tôi xin bàn về triệu chứng ho lâu hơn 3-4 tuần (bán cấp tính), hay hơn 8 tuần (mãn tính, kinh niên), đặc biệt là ho về đêm. Xin nhắc lại tất cả nhận xét chỉ có tính cách thông tin, người bịnh cần nhờ bác sĩ của mình khám và trị bịnh.

Đa số người ho mãn tính nằm trong những nhóm sau đây:

1) Suyễn (asthma): Bịnh nhân có thể ho về đêm nhiều hơn ban ngày, hoặc chỉ ho ban đêm. Người bị suyễn có phế quản nhạy cảm hơn bình thường, có thể co thắt lại (bronchoconstriction) và có nhiều đàm trong phế quản gây ra phản xạ ho. Đêm ngủ, do trạng thái hệ thần kinh thực vật thiên về hệ đối giao cảm (parasympathetic nervous system, vagal tone)), hai hiện tượng kể trên có thể dễ xảy ra hơn ban ngày, lúc mình tỉnh táo và hệ giao cảm tác dụng mạnh hơn. Bịnh nhân có thể có bịnh sử từng bị suyển lúc còn nhỏ, có nhiều biểu hiện của dị ứng (như dị ứng mũi, ngứa do viêm da cơ địa, mề đay), cũng như bịnh sử về suyễn và dị ứng trong gia đình. Nếu cần bác sĩ chuyên về phổi có thể cho làm spirometry để đo cơ năng phổi, đo thể tích không khí mà phổi có thể hít vào và thở ra, vận tốc khí đi ra khỏi phổi nhanh tới mức nào, thử xem dùng thuốc làm nở cuống phổi (vd albuterol) có giúp cho cơ năng phổi tốt hơn hay không. Nếu khám bịnh không tìm thấy dấu hiệu rõ rệt trên lâm sàn, và nếu sức khoẻ bịnh nhân cho phép, Bs có thể thử xem cuống phổi nhạy cảm đến mức nào lúc bị "khiêu khích" bằng cách cho bịnh nhân chạy bộ mệt nhọc (stress, làm thở nhanh), hít hơi lạnh, hay hít vào chất có khả năng làm co cuống phổi (vd histamine, methacholine)(bronchoprovocation challenge test). Bs có thể cho bịnh nhân dùng thử những thuốc làm nở cuống phổi, giảm viêm cuống phổi hay giảm dị ứng.

2) Bịnh ở mũi và xoang; nhất là dị ứng mũi (allergic rhinitis) hay viêm xoang (sinusitis), có thể là nhớt hay chất tiết, mủ chảy về phía sau họng (postnasal drip), làm khó chịu và làm viêm phần phía sau họng cũng như vùng thanh quản (larynx), làm bịnh nhân ho, nhất là lúc nằm xuống, vì ở tư thế này đàm nhớt nhỏ xuống phía sau họng, và bịnh nhân không nuốt kịp vì mê ngủ. Bình thường, mũi sản xuất chừng 1 lít nhớt (mucus) và thả xuống họng để giữ cho mũi và họng đừng khô quá, cũng như giúp chống lại nhiễm trùng. Chúng ta không ý thức về chuyện này vì nhớt mũi trộn với nước miếng được nuốt xuống dạ dày liên tục, một cách vô ý thức. Bất cứ nguyên nhân gì gia tăng sản xuất chất tiết của mũi (như dị ứng, viêm, nhiễm trùng, ăn cay, khói bụi do ô nhiểm môi trường, có bầu, mũi không bình thường do vách ngăn hai lổ mũi bị lệch qua một bên), làm trở ngại việc nuốt nhớt xuống dạ dày đều có thể cho cảm giác đàm ứ trong họng, vướng đàm, phải tằng hắng để thanh giọng nói, và ho ban đêm.

  • Guaifenesin (Mucinex) , uống, bán tự do làm lỏng đàm nhớt (expectorant).
  • Tuy nhiên, hữu hiệu nhất là uống nước đầy đủ, nhỏ nước muối pha ở mức tương đương với huyết thanh (normal saline nose drops) hay súc mũi (nasal irrigation, neti pot) bằng dung dịch nước muối; ăn cháo gà nóng ("chicken soup") làm mũi thông, dễ thở, lỏng đàm, thông họng và cung cấp thêm nước cho cơ thể.
  • Có thể hút bụi kỹ nơi ngủ, dùng máy lọc không khí, giữ độ ẩm vừa phải không khô quá. Bác sĩ gia đình, hay nếu cần bác sĩ tai mũi họng có thể khám và xem có bịnh mủi, xoang hay không và điều trị thích ứng. Những biện pháp giản dị như dùng các loại kháng histamin loại mới như loratadine (Claritin, Alavert), fexofenadine (Allegra), cetirizine (Zyrtec), levocetirizine (Xyzal), and desloratadine (Clarinex) không làm buồn ngủ, và không làm nhớt mũi đậm đặc lại như những thuốc kháng histamin cũ , vd diphenhydramine (Benadryl), chlorpheniramine (Chlor-Trimeton) có thể làm nghẽn những đường lưu thông của nhớt mũi.
  • Những thuốc nhõ mũi làm thông mũi bằng cách co các mạch máu trong mũi (nasal decongestant) chỉ được dùng ngắn hạn vài ngày mà thôi, dùng lâu có thể lờn thuốc, lại càng nghẹt mũi thêm. Những thuốc corticoid bơm vào mũi hàng ngày, hay thuốc chống dị ứng loại montelukast (viên hay cốm) có thể dùng dài hạn để chữa dị ứng mũi.

3) Một số người ho đêm do tràn dịch dạ dày-thực quản, chất đàm nhớt từ mũi đi xuống dạ dày bị gặp khó khăn. Bịnh trào ngược từ bao tử lên thực quản (gastro-esophageal reflux disease, GERD) là do chất dịch tiết trong bao tử, có tánh acid, đi ngược lên trên thực quản, gây ra triệu chứng như rát, đau , buốt trong lồng ngực (heartburn), ợ chua do thức ăn chạy ngược đến miệng (regurgitation). Do acid rất mạnh tấn công lên trên niêm mạc lót trong thực quản, thực quản có thể bị viêm mãn tính (reflux esophagitis), làm thẹo, làm thay đổi các tế bào thực quản (dị sản, metaplasia) và có thể về lâu dài gây ra ung thư (esophageal adenocarcinoma). Acid đi ngược đến thanh quản, khí quản, cuống phổi, cũng có thể gây ra những triệu chứng như ho mãn tính, khan tiếng (viêm thanh quản, đau họng mãn tính ( chronic laryngitis), suyễn; những triệu chứng này có thể làm bs định bịnh sai lạc và chữa trị không hiệu quả. Tuy nhiên, bịnh trào dịch không tỷ lệ thuận với triệu chứng, có nghĩa là có thể trào dịch nhẹ mà triêụ chứng nặng, và ngược lại.

Bịnh GERD tùy theo nhiều yếu tố như tình trạng co thắt của cơ tròn giữa thực quản và bao tử (gastroesophageal sphincter), khả năng thực quản dùng nhu động để đẩy dịch bao tử xuống, khả năng tiết nước miếng để trung hoà acid trong thực quản, khả năng bao tử sản xuất ra acid, khả năng đẩy thức ăn qua ruột nhanh hay chậm, cho nên chữa thuốc có thể thành công nhiều hoặc ít, tái lại hay không.

Thường bs khuyên thay đổi nếp sống như:

  • Tránh đồ ăn chua (chanh, thơm/dứa), ăn lượng thức ăn ít hơn (để bao tử đừng quá căng), những thức gây trào dịch: mỡ, chocolate, peppermint, rượu, hút thuốc lá
  • Không ăn uống 3 giờ trước khi đi ngủ
  • Kê đầu giường lên cao 15 cm để thức ăn trong bao tử khó đi ngược lại
  • Cố gắng sụt cân nếu quá mập
  • Uống thuốc chống axit như Maalox, Calcium carbonate (Tums)

Omeprazole phần chính là có tác dụng giảm chất axit trong bao tử bằng cách ức chế các tế bào sản xuất axít HCl (proton pump inhibitor), do đó làm giảm các triệu chứng khó chịu do axit gây ra.

Tràn dịch bao tử lên thực quản (GERD): Với liều thấp trong 2-4 tuần (ví dụ omeprazole [Prilosec] có bán tự do không cần toa, 20mg/ ngày 30 phút trước bửa ăn), chừng 80% bịnh nhân sẽ giảm triệu chứng nhiều hoặc hết hẳn. Tuy nhiên, 20% còn lại cần liều cao hơn (ví dụ omeprazole 20mg x 2 lần/ ngày), một số ít cần uống thuốc giảm axit liên tục hoặc từng đợt 2-4 tuần rồi nghỉ và uống lại khi cần. Một số trường hợp không đáp ứng với thuốc uống cần được bs đường ruột theo dõi, nội soi nếu cần. Triêu chứng có thể do một chứng bịnh khác nhưng không phải do tràn dịch , hoặc do cơn đau trở thành một biểu hiệu của bịnh tâm lý (nội soi không thấy dấu hiệu trào dịch, đo axít liên tục (ambulatory pH monitoring) trong thực quản >bình thường).

Gần đây, một khảo sát trên hồ sơ bịnh của trên 3 triệu người cho thấy việc dùng proton inhibitor liên hệ với việc tỷ số chết vì bịnh tim mạch gia tăng gấp đôi . Những loại thuốc chống axit bao tử như Zantac, Tagamet (H2 inhibitors) không thấy có hiện tượng này.(Nigam H. Shah)

4) Đương nhiên, chúng ta không thể kể hết mọi nguyên nhân gây ho kéo dài. Những bịnh khác:

-hút thuốc lá là một nguyên nhân có thể dứt bỏ được

-ở Mỹ, bịnh ho gà (pertussis, whooping cough) ở người lớn có thể là nguyên nhân làm ho dai dẵng 3-10 tuần hoặc lâu hơn. Bịnh bắt đầu ho, sổ mũi, nóng hẹ, mệt mõi, nhưng ho kéo dài, tuy không điển hình như ở trẻ con (tiếng "whoop" hay "ót"lúc hít mạnh hơi vào sau cơn ho dữ dội) nên có thể bác sĩ không nghĩ đến bịnh ho gà. Bịnh nhân có thể chích ngừa bịnh ho gà lần cuối cùng lúc 4 tuổi và sau đ1o sức đề khám giảm đi. Cho nên hiện nay ở Mỹ, lúc 11 tuổi phải chích ngừa Tdap (uốn ván, bạch hầu, ho gà) trước khi vào lớp 6) và các thai phụ được khuyên chích Tdap mổi lần có bầu để bảo đảm trẻ sinh ra có kháng thể chống ho gà từ người mẹ truyền qua.

-vật lạ trong cuống phổi

-viêm cuống phổi mãn tính

-bịnh nhiễm trùng như lao, nấm ở phổi

-bịnh suy tim

-bịnh ung thư phổi

-người dùng thuốc hạ áp huyết hoại ACE inhibitors (angitensin converting enzyme inhibitor) như lisinopril, captopril, ramipril

Chúc bịnh nhân may mắn.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 8 tháng 5 năm 2017

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.

Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ vietnamese@voanews.com.